Trên 1.700 kiến nghị của cử tri đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Nội dung kiến nghị ở hầu hết các lĩnh vực
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 5, chiều 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận Báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho hay, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống được cử tri đặc biệt quan tâm kiến nghị.
Cụ thể, cử tri dành nhiều sự quan tâm trong việc thực hiện các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc đi lại, lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng hơn, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép hoạt động, mở cửa trở lại, đặc biệt là các hoạt động sản suất kinh doanh thiết yếu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động bán vé số… từ đó người dân rất phấn khởi và đồng tình.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tóm tắt |
Tuy nhiên, cử tri cũng kiến nghị tăng cường hơn nữa giám sát việc trang bị và mua sắm các trang thiết bị y tế; việc chỉ định điều trị trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện (công và tư)… Đồng thời, đề nghị khẩn trương nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ những khó khăn nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phục hồi, phát triển kinh tế; Chính phủ, các bộ ngành trung ương cần quan tâm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời nhiều gia đình không đủ điều kiện kinh tế, trang bị thiết bị cho con em học trực tuyến, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, trong tháng 10/2021, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2 của 63 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban đã tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đánh giá chung những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không bố trí được việc tiếp công dân trực tiếp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân nhưng nhiều Đoàn ĐBQH đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo có biện pháp phù hợp, ưu tiên hình thức nhận đơn thư, phản ánh kiến nghị nên việc tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì và thực hiện nghiêm túc, được xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo chất lượng hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, Trưởng Ban Dân nguyện đã chỉ ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn ĐBQH bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các Đoàn có giảm nhiều so với chương trình, kế hoạch đề ra; Công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân vẫn chủ yếu là xem xét, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chưa tổ chức giám sát được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.
Tăng cường hơn trong hoạt động giám sát
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, phức tạp, kéo dài cả về lĩnh vực hành chính và tư pháp để phối hợp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận |
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 và cho rằng công tác dân nguyện liên quan đến dân, Quốc hội gắn với dân là rất tốt. Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác dân nguyện liên quan đến tình hình chung và nội dung ý kiến, kiến nghị cử tri.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ nhất. Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 57,1%, số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.
Tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả tiếp công dân của Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các Đoàn ĐBQH đã được thực hiện có nề nếp. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo kết quả giám sát kỳ trước cũng có tác động tích cực. Tuy nhiên, cần thống kê, kiểm đếm các vụ việc liên quan đến đất đai, môi trường và các vấn đề phức tạp khác.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ban Dân nguyện, báo cáo lần này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, tài liệu chuẩn bị đầy đủ, có số liệu và địa chỉ. Kết quả việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước đi vào nề nếp. Kết quả tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Nhiều đoàn ĐBQH trực tiếp giải quyết các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đặc biệt, trong 32 vụ nội cộm, đến nay đã giải quyết 12 vụ việc tồn đọng. Đối với việc giải quyết 4 vụ việc phức tạp kéo dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ động chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng chức năng, thẩm quyền. Đồng thời rút kinh nghiệm báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ hợp cần khắc phục các hạn chế. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các Đoàn giám sát thống kê, kiểm đếm các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, chỉ rõ cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ việc.