Triển khai các kế hoạch hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn
Tin hoạt động 20/03/2016 14:54
Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng |
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hai Bộ mà còn đối với hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản cùng các nước thành viên khác vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước đó, trong các ngày từ 3-4/3, tổ công tác của hai bên đã họp tại Hà Nội để rà soát, thảo luận và xây dựng cơ chế hợp tác trong dài hạn cũng như thống nhất xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, tập trung thảo luận, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại và đầu tư nhằm tận dụng lợi thế so sánh của mỗi nước và thúc đẩy các ngành sản xuất của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại kỳ họp Lãnh đạo hai bên đã chỉ đạo các tiểu ban, nhóm công tác cần có các bước đi thiết thực, hiệu quả hơn nữa để triển khai các kế hoạch hợp tác trong tất cả các nội dung hợp tác về công nghiệp, thương mại và năng lượng. Hai bên đã thảo luận trên tinh thần hữu nghị, hướng tới lợi ích chung nhằm tìm ra cơ chế hợp tác mới, có hiệu quả cao nhất, đáp ứng được đòi hỏi khách quan về nhu cầu hợp tác trong giai đoạn mới, cũng như kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.
Trong hơn 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 21/9/1973), quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, lao động v.v…. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản vào tháng 3/2014 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã ra Tuyên bố chung và nhất trí nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản lên thành quan hệ “Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á”.
Trong nhiều năm qua Nhật Bản luôn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2015, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 28,5 tỷ USD, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc), và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Tính đến hết tháng 2/2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 4 tỷ USD (giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái).
Về đầu tư, tính lũy kế đến hết năm 2015, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam (sau Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 38,4 tỷ USD (chiếm 13,8%) và đứng thứ hai về số dự án (sau Hàn Quốc) với 2.883 dự án. Tính đến tháng 2 năm 2016, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đạt xấp xỉ 38,9 tỷ USD với 2.965 dự án. Hiện nay, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản đã thành công tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng nói riêng và góp phần phát triển liên kết hai nền kinh tế dựa trên mối quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất.