Lao động nữ sau tuổi 30 đứng trước nguy cơ mất việc làm
Đây là thực trạng hiện đang diễn ra tại các khu công nghiệp (KCN) với xu hướng ngày càng lan rộng.
Tại những khu vực có mật độ KCN cao và sử dụng chủ yếu lao động nữ như tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam, người dân tại đây có lợi thế nhất định trong việc tìm kiếm việc làm ổn định, thu nhập bền vững, song tỉ lệ phụ nữ từ 35 tuổi trở lên thất nghiệp, có nguy cơ mất việc làm ngày càng cao. Vấn đề này đặt ra thách thức không chỉ đối với người lao động mà còn tạo áp lực cho thị trường lao động. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng phụ nữ trung tuổi “yếu thế” là do mức độ đáp ứng công việc của những người lao động này bị hạn chế, đặc biệt là khi công nghệ 4.0 được đưa vào sản xuất, các doanh nghiệp áp dụng dây chuyền tự động, kéo theo sự cắt giảm lực lượng lao động.
Ngay tại các KCN sử dụng chủ yếu lao động nữ, nguy cơ mất việc làm của phụ nữ trung tuổi vẫn có xu hướng gia tăng |
Chị Hoàng Thị Vỹ (TP. Sông Công, Thái Nguyên) cho biết: “Tôi từng làm ở KCN Sông Công, nhưng tuổi của tôi hơi cao so với độ tuổi yêu cầu của công ty, bên cạnh đó công việc khiến tôi không có điều kiện chăm sóc gia đình nên tôi xin nghỉ ở công ty”.
Theo quan điểm của chị Trần Thị Thanh Thoan- GĐ Công ty CP Sữa Hà Nam (Hanamilk), với mốc 35 tuổi ở người phụ nữ, họ có lợi thế hơn với công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, kiên trì, cẩn thận nhưng những công ty yêu cầu cao về kỹ thuật thường không sử dụng; .
Thực trạng tại các tỉnh như Thái Nguyên, Hà Nam cho thấy, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan để phụ nữ trên 30 tuổi không có việc làm. Tình trạng này gia tăng có thể dẫn đến sự đổ vỡ hoặc phát triển thiếu cân đối của thị trường lao động, tạo ra vấn đề gánh nặng về an sinh, xã hội.
Đánh giá về tình hình này, PGĐ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Long cho biết: “Nếu có những chính sách, cơ chế tốt thì lực lượng lao động nữ sau tuổi 30 có thể tham gia vào thị trường bằng nhiều hướng đi, họ có thể tham gia vào những đơn vị phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân; hoặc đứng lên lập nghiệp, làm chủ trong hoạt động kinh doanh của mình”
Trong bối cảnh kinh tế như vậy, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ lực lượng lao động nữ giới với mục tiêu xóa sổ tình trạng phụ nữ không có việc làm, hướng tới phát triển bền vững, góp phần phát triển nền kinh tế của tỉnh, vùng và đất nước, nội dung trọng điểm là triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939).
Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp – Bước đầu khởi sắc
Trước sức ép của thực trạng lao động nữ sau 30 tuổi đối mặt với nguy cơ, việc hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi nghiệp sáng tạo được cho là giải pháp hữu hiệu, bền vững nhất. Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được Chính phủ phê duyệt vào năm 2017. Để Đề án đi vào thực tế, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo Hội LHPN các cấp tổ chức truyền thông về đề án nhằm mục đích giúp chị em nhận thức về khởi nghiệp, hiểu về kinh tế và những yếu tố cần thiết để phát triển kinh doanh, Hội LHPN Việt Nam sẽ làm cầu nối cho chị em phụ nữ tiếp cận với kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm và thị trường khởi nghiệp.
Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN Việt Nam) Hồ Thị Quý cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ phụ nữ quản lý doanh nghiệp khá cao trong khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 25-27%, chưa kể đến kinh doanh hộ gia đình; song so với lực lượng lao động gần 40% thì con số đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ. Hội LHPN Việt Nam luôn khuyến khích chị em phụ nữ mạnh dạn, tự tin phát triển kinh doanh, để tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tương xứng với lực lượng lao động nữ, thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới: đạt mục tiêu đến năm 2020 có 30% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Đánh giá về những cơ hội và thách thức trong quá trình khởi nghiệp của phụ nữ, bà Hồ Thị Quý khẳng định phát triển sản xuất, kinh doanh là con đường giúp phụ nữ tự chủ về kinh tế, giải quyết được vướng mắc trong vấn đề việc làm, nhưng quá trình này cũng hết sức khó khăn, xuất phát từ bản thân người phụ nữ cũng như những nguyên nhân khách quan liên quan đến nhìn nhận của xã hội và chính sách Nhà nước trong vấn đề hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hội LHPN đang phối hợp với Hội LHPN các địa phương nỗ lực giải quyết những vướng mắc nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phụ nữ khởi sự kinh doanh, phát triển sự nghiệp bền vững. Cụ thể, Trung ương Hội đã tổ chức chuỗi các hoạt động như các khóa tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ; hội chợ kết nối để phụ nữ giao lưu học hỏi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho chị em…. Trung ương Hội cũng đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phụ nữ khởi nghiệp: cụ thể hóa các quy định hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận với các nguồn lực, đặc biệt là khi những đơn vị này thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Lực lượng lao động nữ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, vùng, đất nước |
Là một trong những điển hình triển khai tốt Đề án 939, tỉnh Thái Nguyên nằm trong nhóm đầu những địa phương có tỉ lệ cao phụ nữ khởi nghiệp thành công. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quỳnh Hương cho biết: Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên xác định Đề án 939 là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, giúp cho các cấp hội phụ nữ trong tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế một cách bài bản. Khi triển khai đề án này, momg mỏi lớn nhất của chúng tôi là giúp cho chị em phụ nữ có ý tưởng và khát vọng khởi sự kinh doanh có đủ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho bản thân và cộng đồng.
Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã triển khai 3 hoạt động trọng điểm trong công tác hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp. Thứ nhất, hàng năm Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, từ đó phát động sâu rộng trong các cấp Hội cũng như trong người dân trên địa bàn Thái Nguyên về việc xây dựng các ý tưởng kinh doanh, sàng lọc, hỗ trợ hoàn thiện kế hoạch và kết nối nguồn lực để hiện thực hóa ý tưởng. Thứ hai, thành lập CLB Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp, tạo thành diễn đàn cho chị em phụ nữ có ý tưởng trong sản xuất, kinh doanh trao đổi, học tập; tìm kiếm kết nối các nguồn lực đầu tư, cơ hội hợp tác để phát triển kinh doanh. Thứ ba, phát động phong trào phụ nữ Thái Nguyên sản xuất, kinh doanh giỏi, thông qua đó thúc đẩy niềm đam mê, khát vọng khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, trang trại, đầu tư sản xuất để nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Với những nỗ lực đó, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ thành lập 6 HTX, tạo việc làm cho trên 250 chị em phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, tập trung sâu vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp an toàn như HTX sản xuất chè, sản xuất thực phẩm an toàn, chuỗi sản xuất và tiêu thụ đậu tương an toàn…, CLB Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp có hơn 50 hội viên khởi nghiệp thành công. Trong 3 năm từ 2016 – 2018, Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức mỗi năm một lần đã lựa chọn được 30 ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu và được hỗ trợ hiện thực hóa sản phẩm.
Hiện nay, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đang đề ra khâu đột phá hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới đơn vị sẽ bám sát vào các hoạt động này để hỗ trợ chị em, tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp; tạo điều kiện cho chị em phụ nữ học nghề gắn với thực hành, quản lý doanh nghiệp.