Tại cuộc Tọa đàm trực tuyến “Chính sách mới, cơ hội mới cho nhà đầu tư PPP”, diễn ra mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Luật PPP ra đời góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” trong đầu tư PPP. Tuy nhiên, việc triển khai Luật vào thực tiễn vẫn còn thách thức, bởi Luật PPP vẫn có khoảng 20 nội dung phải sử dụng các văn bản dưới luật hướng dẫn. Khung pháp lý ở cấp các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật PPP cần phải phù hợp với các thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.
Từ góc độ thực tiễn, ông Trần Văn Thế - nhà đầu tư PPP đại diện cho Tập đoàn Đèo Cả - phản ánh: Luật PPP vẫn chưa có những điều khoản cụ thể, rõ ràng về chuyển tiếp các dự án PPP theo hướng có lợi cho nhà đầu tư liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro. Xử lý tranh chấp về thiệt hại của nhà đầu tư mà lỗi do các cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi chính sách PPP gây ra, khi hướng dẫn cũng cần phải cụ thể, rõ ràng, bởi trước đây vấn đề này phát sinh, nhà đầu tư khiếu nại không biết kêu ai, cuối cùng đều bị vô hiệu hóa với các lý do khác nhau.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Vụ trưởng Vụ Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Luật có nhiều điểm mới về đầu tư PPP, quy mô dự án, lựa chọn nhà đầu tư, chia sẻ rủi ro doanh thu, vấn đề huy động vốn, hoạt động hậu kiểm, công tác quản lý… Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan soạn thảo 2 nghị định quan trọng hướng dẫn thi hành Luật PPP, sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các bên liên quan, đồng thời làm rõ các vấn đề mới trong văn bản hướng dẫn để Luật PPP đi vào cuộc sống sẽ phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái -Trường Đại học Giao thông vận tải: Các nhân tố tác động đến Luật PPP khi triển khai vào thực tiễn là vai trò của Chính phủ trong công tác quy hoạch, hướng dẫn; vấn đề lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, kỹ thuật, cũng như vấn đề rủi ro chủ quan và khách quan bất khả kháng. |