Không để lỡ cơ hội phát triển công nghiệp điện tử Không có quốc gia nào 'hóa rồng', 'hóa hổ' mà không có ngành công nghiệp điện tử |
Doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến năng lực sản xuất ngành điện tử
Bà Đỗ Thị Thúy Hương- Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhận định, ngành công nghiệp điện tử đang có đóng góp to lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
6 tháng đầu năm, sản xuất của ngành vẫn đứng top đầu nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, trong đó: Sản phẩm điện tử, máy móc và linh kiện đạt 32,911 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại và linh kiện đạt 27,202 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. “Đây là những con số biết nói, đóp góp rất lớn vào việc đảm bảo thặng dư và cán cân thương mại của Việt Nam”, bà Hương nhấn mạnh.
Năng lực sản xuất của doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hấp dẫn nhiều nhà đầu tư Mỹ. Nói về điều này, ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cho hay, nhiều nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm, mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển năng lực sản xuất sản phẩm điện tử. Trên nền năng lực sản xuất sẵn có, nhà đầu tư Mỹ muốn thí điểm xây dựng chuỗi cung ứng ngành điện tử ở Việt Nam trước khi mở rộng ra các nước khác.
Ngành công nghiệp điện tử đứng đầu trong nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Ảnh: Cấn Dũng |
“Doanh nghiệp Mỹ đang nhìn vào Việt Nam như một thị trường để dịch chuyển công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử”, ông Thành thông tin.
Quan trọng hơn, theo ông Thành, Việt Nam có cơ hội sản xuất ra các sản phẩm chiến lược trong ngành điện tử. Ví dụ, sản phẩm máy bay không người lái hạng nhẹ, hay còn gọi là drone tầm gần. Trên thế giới không có nhiều quốc gia sản xuất được mặt hàng này, ngoài Trung Quốc. Thị trường drone tầm gần toàn cầu năm 2023 là hơn 63 tỷ USD. Các kỹ sư và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm này. Thậm chí có doanh nghiệp có thể sản xuất mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ. Doanh nghiệp Việt Nam có thể vừa sản xuất và nhận đơn hàng sản xuất từ nước ngoài.
“Hay là camera an ninh tích hợp AI cũng hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp Việt”, ông Thành cho biết.
Làm sao để đón được cơ hội
Dù ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có cơ hội đón nhận đầu tư từ Mỹ cho những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nội tại của ngành những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng đón nhận đầu tư.
Bà Hương phân tích, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh và không ổn định. Mặt khác, doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao. “Thực tế, lực lượng lao động của chúng ta đang bị già hóa nhanh, tuổi lao động trung bình tăng lên. Kể cả lao động phổ thông bây giờ cũng rất khó tuyển dụng”, bà Hương cho biết.
Cũng như các ngành hàng xuất khẩu khác, ngành công nghiệp điện tử cũng chịu các quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Mỹ ngày một thắt chặt. Xét về dài hạn, nếu đáp ứng được, đây là cơ hội nhưng với quy mô của doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực thiếu hụt việc này gia tăng trách nhiệm khai báo, tạo thêm áp lực và chí phí với doanh nghiệp.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp điện tử phản ánh việc thuê đất làm nhà xưởng khi hết hạn không được gia hạn, nhưng chính quyền sở tại hàng năm vẫn phát văn bản yêu cầu đóng tiền thuê đất và giá thuê đất hàng năm rất bấp bênh. Điều này khiến doanh nghiệp không thể ổn định sản xuất, không thể tiên lượng đơn giá đơn hàng và mở rộng đầu tư.
Trước những hiện trạng trên, bà Hương đề nghị, các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nhân lực, nên tận dụng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề, nhất là trong lĩnh vực điện tử bán dẫn, cấp học bổng cho học sinh theo học ngành rất khó này.
Chính sách thuế cần ổn định, lâu dài có tiên lượng được và không hồi tố, đặc biệt là các quy định cho xuất nhập khẩu tại chỗ. Hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong nước và quốc tế liên quan tới chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững, kinh tế số, xanh sạch và tuần hoàn…
Trước phản ánh về vấn đề thuê đất của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ- Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lý giải, pháp luật về chính sách đất đai quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và đối tượng chịu tác động. Việc trả tiền thuê đất hàng năm doanh nghiệp có thể thấy không ổn định nhưng pháp luật bảo hộ quyền thuê của tổ chức cá nhân. Hơn nữa, trong Luật Đất đai 2024 quy định tiền thuê đất ổn định 5 năm nếu có thay đổi thì thay đổi theo tỷ lệ chỉ số giá tiêu dùng.