Trọng tài thương mại và hòa giải thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án mà pháp luật Việt Nam cho phép. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật.
Tại Việt Nam, mặc dù Luật Trọng tài Thương mại đã được Quốc hội thông qua năm 2010, nhưng theo thống kê, chỉ có khoảng 10% tranh chấp thương mại, đầu tư giữa các DN được giải quyết thông qua trọng tài thương mại.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh- Trọng tài viên sáng lập Trung tâm trọng tài thương mại Thịnh Trí, khi phát sinh tranh chấp, DN thường chọn Toà án là cơ quan giải quyết vì từ trước đến nay, họ quen quy trình tố tụng của Toà án; hai là phí Trọng tài khá cao; và ba là họ ngại rủi ro. Bởi, một khi đã chọn Trọng tài là nơi giải quyết tranh chấp, các bên phải tôn trọng, thi hành phán quyết của Trọng tài, cơ hội thay đổi phán quyết là rất thấp, trừ phi họ tìm được các lý do thuyết phục để chứng minh quá trình tố tụng có nhiều sai sót, vi phạm và yêu cầu Toà án huỷ phán quyết.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Vinh, dù quy trình tố tụng giữa Toà án và trọng tài thương mại có khác nhau nhưng tất cả các phán quyết đều dựa trên ý kiến của các đương sự, các chứng cứ thu thập được và luật quy định. Do vậy, yếu tố quan trọng để trọng tài thương mại có thể giải quyết các tranh chấp một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi giữa các bên là các Trọng tài viên (người được hai bên đương sự chọn đứng ra giải quyết tranh chấp). Ngoài đáp ứng các tiêu chí theo luật định thì các Trọng tài viên phải có khả năng xét xử, đánh giá, phân tích chứng cứ mà các bên đưa ra và họ phải đưa ra các phán quyết công bằng, chính xác. Thêm nữa, Trọng tài viên cũng cần có khả năng truyền đạt, bởi vai trò của trọng tài thương mại là phân tích cái đúng - sai của các đương sự, để họ thấu hiểu và đi đến thoả thuận cuối cùng thấu tình, đạt lý.
Bên cạnh trọng tài thương mại, hòa giải thương mại cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được pháp luật thừa nhận. Ưu điểm của hình thức này là quy trình hòa giải do các bên thỏa thuận hoặc theo các quy tắc hòa giải của Trung tâm hòa giải thương mại. Các phiên hòa giải có thể có sự tham gia của đầy đủ các bên hoặc chỉ là phiên họp kín giữa hòa giải viên với từng bên. Khi hòa giải thành thì sẽ có giá trị pháp lý. Nếu một bên không tự nguyện thực hiện thì bên còn lại có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành và khi đó cơ quan thi hành án dân sự có thể cưỡng chế thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự.
“Ưu điểm của Trung tâm Trọng tài thương mại Thịnh Trí là có các Trọng tài viên nguyên là Thẩm phán Toà kinh tế và các Kiểm sát viên có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác Kiểm sát giải quyết các vụ án kinh tế cho nên về nghiệp vụ rất vững vàng. Mặt khác, phí trọng tài được áp dụng theo án phí, lệ phí như Tòa án”, ông Vinh cho biết.
Tại những quốc gia phát triển, hầu hết các tranh chấp kinh doanh, thương mại, hợp đồng tín dụng, thế chấp, hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu...của doanh nghiệp (DN) đều sử dụng trọng tài thương mại để xét xử, đưa ra phán quyết, vì DN muốn giữ bí mật, uy tín, không muốn công khai thông tin họ đang có tranh chấp. Hơn nữa, bản thân các bên cũng muốn tranh chấp sớm được giải quyết để tập trung cho các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Trong hợp đồng ký kết giữa các bên, họ thường đưa điều khoản yêu cầu trọng tài thương mại giải quyết nếu có tranh chấp thay vì là Tòa án. |