Cần làm gì khi khó truy cập trang web gia hạn đăng kiểm? Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm về sai phạm trong hoạt động đăng kiểm Không cấp chứng nhận kiểm định 15 ngày cho xe chưa nộp phạt |
Sau khi ngành đăng kiểm thực hiện hàng loạt giải pháp theo các Nghị định, Thông tư về kiểm định xe cơ giới, trong vòng 2-3 tháng qua, hầu hết các trung tâm đăng kiểm đã được "giải nhiệt". Người dân đưa xe đến cửa đăng kiểm đã "dễ thở" hơn rất nhiều, không còn tình trạng ùn ứ, chờ đợi, mất thời gian và công sức như trước đây.
Trạm đăng kiểm vắng hoe, doanh thu sụt giảm
Ghi nhận của của PV VietNamNet tại một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội những ngày đầu tháng 9 cho thấy, các cơ sở này đều trong tình trạng vắng vẻ hơn nhiều so với mức bình thường.
Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), dù vào giữa giờ chiều của ngày đầu tuần nhưng số ô tô xếp ở dây chuyền kiểm định tại đây chỉ khoảng 5-6 xe. Do không mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi nên tổng thời gian kiểm định cho mỗi xe chỉ khoảng 20-25 phút.
Đáng chú ý, lượng phương tiện đến đăng kiểm ít nên bất cứ xe nào đến cũng được đưa vào dây chuyền kiểm định ngay chứ không cần phải qua bước đăng ký online hay đặt lịch trước.
Quang cảnh phía sân chờ tại Trung tâm Đăng kiểm 29-03S vắng vẻ hiếm thấy. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03S, hiện mỗi ngày tại đây chỉ tiếp nhận khoảng 50-60 xe. So với công suất thiết kế với 2 dây chuyền là 150-160 chiếc/ngày thì lượng xe vào kiểm định hiện mới đạt 35-40%. Còn nếu so với công suất lúc cao điểm nhất là khoảng 250-270 chiếc/ngày thì lượng xe hiện nay mà trung tâm này tiếp nhận chỉ xấp xỉ 1/4.
Cảnh đìu hiu cũng diễn ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (quận Đống Đa, Hà Nội) vốn trước đây rất đông đúc. Theo lãnh đạo trung tâm này, doanh số xe kiểm định tháng 8/2023 sụt giảm trên 60% so với tháng 8/2022. Trước đó, trung bình mỗi ngày trung tâm kiểm định khoảng 160 xe, hiện chỉ kiểm định được khoảng 60 xe/ngày, có ngày dưới 50 xe.
Còn tại một trung tâm đăng kiểm ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), với hai dây chuyền kiểm định và gần 20 nhân viên phục vụ nhưng lượng xe đến đây "nhỏ giọt", không khí vắng lặng trái ngược hẳn so với cảnh xếp hàng chen chúc đến cả cây số như trước đây nửa năm. Buổi chiều, nhân viên chỉ làm việc đến khoảng 15h đã hết khách.
Đại diện đơn vị cho biết, mỗi ngày trung tâm này tiếp nhận khoảng 30-40 xe, giảm hơn 70% so với doanh số trung bình của những tháng trước đó. Nguyên nhân chính là vì theo các quy định mới, rất nhiều xe đã được giãn, tự động gia hạn đăng kiểm, còn xe mới thì chỉ cần cấp hồ sơ chứ không phải đưa lên dây chuyền kiểm định.
Trung tâm đăng kiểm này đã phải đóng bớt 1 dây chuyền, cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm lỗ. Ảnh: Hoàng Hiệp |
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Minh Hải - Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 29-03S cho biết, với lượng xe ít như vậy thì trong vài tháng gần đây, đơn vị thu không đủ bù chi, có tháng lỗ đến hơn 100 triệu. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều trung tâm đăng kiểm khác hiện nay.
"Do vắng xe, chúng tôi buộc phải đóng bớt 1 trong 2 dây chuyền kiểm định lại để giảm chi phí. Số nhân viên của trung tâm cũng tạm thời được bố trí nghỉ luân phiên. Anh em cũng rất tâm tư nhưng vẫn phải động viên nhau cầm cự, cố gắng làm việc để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Hải chia sẻ.
Dự báo lượng ô tô đi kiểm định tăng cao vào dịp cuối năm
Theo số liệu mà Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp, tính đến ngày 12/9, cả nước có 269/288 trung tâm đăng kiểm hoạt động, chiếm 93,4%. Năng lực hiện tại của 269 trung tâm đăng kiểm với 436 dây chuyền kiểm định là vào khoảng hơn 26.000 xe/ngày, đang đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân.
Còn riêng tại Hà Nội, hiện có 27 đơn vị đăng kiểm hoạt động với 45 dây chuyền, có khả năng tiếp nhận 2.700 xe/ngày. Tuy nhiên, số lượng xe đến kiểm định thực tế hiện nay tại Hà Nội vào khoảng 1.600 xe/ngày, chỉ đạt gần 60% so với thiết kế. Điều này đã khiến tình trạng "thừa năng lực" của các trung tâm đăng kiểm.
Tuy vậy, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, lượng phương tiện có nhu cầu kiểm định được dự báo sẽ tăng cao hơn vào dịp cuối năm bởi nhiều xe hết thời gian được tự động gia hạn đăng kiểm (hết hạn vào 30/12). Đây cũng là thời điểm có nhiều ngày nghỉ như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,... không loại trừ trường hợp các phương tiện cùng dồn vào một thời điểm, khiến nhiều đơn vị đăng kiểm thêm áp lực.
Cục Đăng kiểm đưa ra khuyến cáo, người dân và doanh nghiệp có phương tiện sắp đến hạn kiểm định nên lựa chọn thời điểm phù hợp, thấp điểm như hiện nay để kiểm định được thuận lợi và nhanh chóng; tránh để đến sát lịch hoặc hết hạn mới đi, có thể sẽ vào thời gian cao điểm, phải xếp hàng chờ đợi.
"Dù hiện nay không bắt buộc các phương tiện đến đăng kiểm phải đăng ký trước, tuy nhiên chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân đăng ký lịch thông qua hệ thống đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam để các trung tâm chủ động sắp sếp, bố trí tiếp nhận.
Đồng thời, người dân nên chủ động tự kiểm tra, bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm. Đây cũng sẽ là những thói quen tốt đảm bảo cho quá trình kiểm định phương tiện được thuận lợi, dễ dàng hơn", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ với PV VietNamNet.