Trung thu 2016: Nét đẹp từ những món đồ chơi truyền thống
Trống cơm và mặt nạ là những đồ chơi truyền thống quen thuộc. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Trong kí ức của người Hà Nội, Trung thu là mùa của những chiếc trống da đủ kích cỡ, thân sơn đỏ và là mùa của những chiếc đèn ông sao, chiếc đèn cù, đèn kéo quân trang trí đơn giản...
Phóng viên tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Tuyến - nghệ nhân cuối cùng còn làm đèn Trung thu của làng Hậu Ái (huyện Hoài Đức). Bà Nguyễn Thị Tuyến đang ngồi tỉ mẩn dán từng lớp giấy lên khung chiếc đèn ông sao. Bà Tuyến kể, trước kia làng Hậu Ái có truyền thống làm đồ chơi mỗi dịp Trung thu. Nhưng đến nay, cả làng chỉ còn nhà bà còn duy trì cái nghề này.
Nhắc tới đèn ông sao, bà Tuyến kể với giọng tự hào: "Đèn ông sao truyền thống phải là loại đèn dán bằng giấy đỏ hoàn toàn, khung làm đèn phải là loại tre hoặc nứa già, đốt dài, chọn nắng hanh khô nhất để phơi chống ẩm mốc, sau đó được cố định lại bằng dây thép, cán cũng được làm bằng đoạn ống tre to dài để cầm cho chắc chắn. Những hoa văn trên đèn được cắt dán tỉ mỉ và được gắn thêm 2 chiếc que để dán cờ Tổ quốc."
Ngoài đèn ông sao, nhà bà Tuyến còn làm thêm những chiếc đèn con thỏ, và một loại đồ chơi hiện tại có ít trẻ em biết đến đó là ông nghè và ông tiến sỹ.
Bên cạnh những chiếc đèn ông sao, đèn con thỏ đủ loại màu sắc khác nhau, Trung thu còn có những món đồ chơi truyền thống dành cho những lứa tuổi lớn hơn.
Là nghệ nhân cuối cùng làm tàu thủy bằng sắt, ông Nguyễn Văn Mạnh Hùng chia sẻ:, “Ở làng Khương Hạ, Thanh Xuân trước đây, mọi người chủ yếu làm đồ gia dụng bằng sắt như xô, thau, chậu. Nhưng đến mùa Trung thu, mọi gia đình ở đây đều chế tạo thêm những món đồ chơi từ những vỏ lon thiếc, ống bơ để kiếm thêm, đặc biệt nhất là chiếc tàu thủy.”
Chiếc tàu thủy làm bằng sắt này có thể di chuyển trên mặt nước, phát ra tiếng kêu sống động cũng như phả khói giống tàu thủy thật. Việc chế tạo chiếc tàu thủy này rất công phu và mất 1 tuần để cho ra đời một chiếc tàu thủy hoàn chỉnh, chạy tốt. Một chiếc tàu thủy sắt như vậy có giá từ 150.000 - 300.000 đồng, có thể chơi được từ 2 - 3 năm.
Đặc biệt, thiên nga bông của bà Vũ Thị Thanh Tâm, phố Hàng Lược làm cũng là món đồ chơi độc đáo mỗi dịp Trung thu. Thiên nga bông được đựng trong một chiếc giỏ mây, tạo dáng mềm mại, trang trí xung quanh bằng những bông hoa giấy đủ màu sắc.
Theo bà Tâm, công đoạn đầu tiên và khó nhất là tạo hình thiên nga từ giấy vở cũ, sau đó nhồi bông vào bên trong cho cứng. Tiếp đó phần cổ và thân thiên nga được làm bằng dây thép, sau đó phủ bông y tế mềm lên các chi tiết.
Cuối cùng sẽ dùng kéo để tạo hình sao cho cánh thiên nga phải có dáng cong, mềm mại, trông như đang bay… Sau khi làm xong hình thiên nga, cần phải có con mắt tinh ý và thẩm mỹ để lắp thiên nga vào giỏ đã phủ bông sao cho đẹp, rồi đính thêm những hạt cườm và hoa lụa nhằm tăng thêm phần quyến rũ và sinh động.
Những chiếc đèn ông sao của bà Tuyến, giỏ thiên nga của bà Tâm, chiếc tàu thủy của ông Hùng… không đơn thuần là những món đồ chơi tinh tế dịp Tết Trung thu mà còn chứa đựng cho trong đó nhiều ý nghĩa. Đèn ông sao phải là giấy bóng kiếng màu đỏ để nhắc đến công lao những người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, ông tiến sĩ để ước mong con cái học hành chăm ngoan đỗ đạt, thiên nga bông để ước mơ tình cảm con người gắn kết bền chặt...
Từng món đồ chơi ấy được người dân Thủ đô nâng niu như vậy nhưng đến nay khó có thể tìm kiếm được tại bất kì một cửa hàng nào của con phố Hàng Mã. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi “vì điều gì mà những món đồ chơi ấy chịu lép vế trước những món đồ chơi công nghiệp?"
Một mùa Trung thu nữa lại đến, hãy rời những món đồ chơi lập lòe phát nhạc, để tìm về với những chiếc đèn ông sao, chiếc tàu thủy sắt, giỏ thiên nga bông, chiếc đèn kéo quân... để cho chính mình một tấm vé trở về tuổi thơ, thật sự trở về với lễ rước đèn Trung thu trong kí ức mỗi người.