Trung thực trong sản xuất, chế biến để gia tăng xuất khẩu gạo
Tin hoạt động 24/06/2019 14:51
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 24/6 tại TP. Hồ Chí Minh, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu chủ trì hội thảo |
Nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, thời gian qua, nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: Thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; Thay đổi phương thức nhập khẩu, cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn; Nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực… Các động thái này làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung-cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua và ảnh hưởng trực tiếp đến các nước xuất khẩu gạo như Việt Nam.
Theo đó, ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019 với những lý do khác nhau: tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.
Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Đối với Việt Nam, cùng kỳ 5 tháng 2018 xuất khẩu sang 3 thị trường này đạt 1,44 triệu tấn thì con số năm 2019 chỉ là 239 nghìn tấn. Đối với Thái Lan, tổng xuất khẩu sang 3 thị trường trên cũng sụt giảm 71,6% so với cùng kỳ năm trước, làm cho tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 4 tháng năm 2019 giảm tới 16% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, công tác điều hành xuất khẩu gạo các tháng đầu năm 2019 vẫn được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bám sát tốt được mục tiêu tiêu thụ thóc gạo vụ Đông Xuân cho nông dân và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Với các nỗ lực kể trên, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, tính đến thời điểm ngày 31/5/2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,7 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 1,18 triệu USD.
Đông đảo doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các đại diện Bộ, ngành tham dự hội nghị |
Quyết liệt làm tốt công tác điều hành xuất khẩu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: Kết quả đạt được thời gian qua là nhờ các doanh nghiệp đã nhanh nhạy tìm kiếm thị trường mới, nắm bắt nhanh sự thay đổi cơ chế của thị trường Philippines và nhu cầu các thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana cũng tăng lên... nhờ đó đã tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong các tháng đầu năm nay Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp làm tốt công tác điều hành xuất khẩu gạo. Cụ thể, hai bộ đã phối hợp báo cáo Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ nông dân; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp làm quen với cơ chế nhập khẩu gạo mới của Philippines. Đặc biệt, với việc thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã thể hiện tư duy quản lý mới của Bộ Công Thương theo hướng giảm chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Chinh cho hay, sau 9 tháng thực thi Nghị định, đã có thêm 41 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng đội ngũ thương nhân xuất khẩu gạo lên 177 thương nhân. Trong số các thương nhân được cấp mới có 12 thương nhân thuê kho và cơ sở xay, xát, chế biến để đáp ứng điều kiện kinh doanh (chiếm 29,3% số thương nhân mới được cấp Giấy chứng nhận); và 29 thương nhân có sở hữu về kho chứa, cơ sở, xay, xát, chế biến để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Kết quả này cho thấy tuy điều kiện kinh doanh được nới lỏng cho phép thuê, nhưng đa phần các thương nhân chọn đầu tư, gắn bó lâu dài với sản xuất, xuất khẩu gạo.
Đối với thị trường có hợp đồng tập trung, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định theo hướng trừ trường hợp cần chỉ định thương nhân đầu mối theo các Bản ghi nhớ MOU ở cấp Chính phủ, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được tự do đàm phán, ký kết, giao dịch xuất khẩu gạo vào các thị trường có hợp đồng tập trung, tuân thủ quy định của nước sở tại. Nhờ vậy, đã thúc đẩy được việc xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại vào các thị trường có hợp đồng tập trung, khác với quy định bảo vệ thị trường tập trung của Thông tư hướng dẫn Nghị định số 109/2010/NĐ-CP.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chủ trương đa dạng hóa, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, chú trọng các thị trường trọng điểm, truyền thống và thị trường mới, tiềm năng.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được quy định ưu đãi trong Nghị định 107, nhiều thương nhân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành (Theo danh sách thống kê, đến nay mới có 76/177 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có báo cáo gửi Bộ Công Thương, trong đó chỉ có hơn một nửa có báo cáo định kỳ, thường xuyên).
Phải trung thực trong kinh doanh
Xác định trong thời gian tới thị trường gạo thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, các bộ cần làm tốt thông tin về thị trường, có gì mới phải thông báo ngay. Cần hết sức coi trọng thị trường Trung Quốc vì họ vẫn là nhà nhập khẩu lớn. Đặc biệt quan tâm tới việc kết nối với bên ngoài, nếu có thể kết nối với 2-3 nhà phân phối lớn của nước ngoài, họ đặt hàng thì ta sẽ đặt hàng lại cho nông dân, như vậy mới tạo được chuỗi liên kết hoàn chỉnh và hiệu quả.
“Riêng các doanh nghiệp, phải trung thực về năng lực sản xuất, chế biến, năng lực kiểm soát chất lượng hạt gạo. Làm sao mỗi hạt gạo đứng tên doanh nghiệp phải đạt chất lượng, đừng để hàng xuất đi lại bị trả về.”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và khai thác các thi trường truyền thống, các thị trường tiềm năng gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, tập trung vào xác định các thị trường mục tiêu, chủng loại mục tiêu và cách thức phối hợp, đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại. Kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý để tăng cường thu mua lúa gạo cho người nông dân. |