Tận dụng cơ hội
Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số (CĐS) được nhận định là chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; tối ưu chi phí và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ…
Chuyển đổi số đã giúp HUFI nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý |
Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng, CĐS mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy – học.
Theo đó, CĐS cho phép giáo dục được thực hiện toàn diện và đầy đủ mà không có gặp mặt, giao tiếp trực tiếp. CĐS trong giáo dục – đào tạo tập trung vào hai nội dung: CĐS trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và CĐS trong quản lý giáo dục (QLGD).
Với nhận thức trên, từ nhiều năm qua, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) đã chủ động áp dụng khoa học - công nghệ vào công tác quản lý, đào tạo. Với mô hình trường đại học công lập thực hiện đổi mới hoạt động bắt đầu từ năm 2016 cho đến nay, CĐS là một trong những chiến lược quan trọng mà HUFI đã và đang triển khai. Hoạt động CĐS của HUFI càng được đẩy mạnh hơn trong 2 năm 2020, 2021, trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19.
Thạc sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng HUFI - cho biết, để triển khai thành công CĐS, HUFI đã thay đổi tư duy, năng lực quản lý, trong đó trực tiếp và chịu tác động lớn nhất là người học và giảng viên, tiếp theo là đội ngũ cán bộ quản lý, phục vụ hỗ trợ là những người phải trực tiếp thao tác, vận hành hệ thống. Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường với vai trò xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược đổi mới đã thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản lý.
Hơn 10 năm trở lại đây, HUFI đã xây dựng hạ tầng công nghệ để dễ dàng thực hiện CĐS, trong đó có thể kể đến quan điểm thống nhất về đồng bộ cơ sở dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý. Lấy cơ sở dữ liệu người học, viên chức, người lao động, giảng viên là trung tâm để từ đó thiết kế các phần mềm tiện ích hỗ trợ cho công tác quản lý, dạy học và nghiên cứu khoa học.
Có thể đánh giá, đến thời điểm hiện tại, sự đồng bộ hóa về thiết bị, phần mềm và cơ sở dữ liệu đã đưa lại sự thuận lợi cho việc CĐS thành công tại HUFI.
Thành công nhờ chuyển đổi số
Có thể khẳng định CĐS đã mang lại sự đổi thay và thành công trong công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý của HUFI.
Trước hết, CĐS đã giúp nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ của cán bộ, giảng viên và sinh viên khi tham gia đào tạo, học tập trực tuyến. Giảng viên cần có những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, duy trì sự tập trung và thu hút sự tham gia của sinh viên vào các nhiệm vụ và hoạt động học tập. Chính vì vậy, việc xây dựng các chương trình tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn đã được HUFI thường xuyên quan tâm, thực hiện một cách có hiệu quả, đồng thời tạo ra một môi trường chia sẻ lẫn nhau trong việc nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ trong dạy học, đặc biệt là dạy học từ xa, trực tuyến. Trong suốt thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19, HUFI đã chuyển đổi thành công về dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, cũng như khẳng định đây là một phương thức dạy học song hành với các phương thức dạy học khác.
Bên cạnh đó, trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá HUFI đã triển khai số hóa các học liệu (giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến. HUFI chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của người học cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ, sổ sách thông thường.
Trong QLGD bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ số để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác. Mặt khác, trong quản lý đầu ra, HUFI đã sử dụng những công nghệ mới nhất để hỗ trợ bảo đảm việc đào tạo, đánh giá, kiểm tra, công nhận kết quả và cấp bằng, chứng chỉ là đúng đối tượng. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá cũng được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính.
Cũng theo Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, để thực hiện được CĐS thành công, HUFI cũng đã thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi cơ cấu tổ chức bên trong, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi các mối quan hệ, quy trình xử lý thông tin, ra quyết định và giải quyết công việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, cũng như thay đổi việc quản trị các nguồn lực trong cơ sở GDĐH. Ngoài ra, HUFI đã xây dựng cơ sở pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm nội bộ đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng giáo dục – đào tạo trực tuyến và từ xa để bảo đảm tính giá trị của hình thức đào tạo này.
Như vậy, có thể nói hiểu đúng về CĐS, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo đúng các thách thức và vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện CĐS hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng với HUFI trong giai đoạn hiện nay. CĐS được được xem là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo, chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với Covid-19.
Trong CĐS, quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu cơ sở GDĐH và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ viên chức, giảng viên trong nhà trường. |