Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung: Mở rộng cơ hội học tập và nghề nghiệp
Không có tiền đóng học phí nhưng vẫn có thể đi học và tìm kiếm việc làm đảm bảo thu nhập là việc mà đã và đang triển khai nhằm hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Không có tiền vẫn có thể đi học
Từ năm 2022, học phí đại học theo lộ trình sẽ tăng lên theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhà nước đang có xu hướng giảm dần ngân sách cho các trường đại học. Trước thực trạng này, nhiều trường đại học của Việt Nam đã chuyển đổi từ trường công lập sang cơ chế tự chủ. Vậy làm thế nào để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có đủ tiền để đóng học phí mà vẫn có cơ hội đến trường học tập, trang bị cho mình một ngành nghề trong tương lai?
Nhằm giúp các em học sinh, sinh viên có thể bước chân vào giảng đường đại học và “hoàn thành giấc mơ”, những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Việt- Hung không ngừng mở rộng hợp tác với các viện, doanh nghiệp, kết nối nghề nghiệp cho các sinh viên đến làm việc. Nhà trường đã xoá bỏ rào cản về tài chính.
Theo NGND.TS Nguyễn Đức Trí- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt –Hung, tại nhà trường, sinh viên không có tiền vẫn có thể đi học. Nhà trường có chính sách cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chậm nộp học phí không quá hai học kỳ liên tiếp với sự giúp đỡ của doanh nghiệp. Nhà trường đã ký kết hợp tác với Công ty Thông tin M1 thuộc Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel) để tuyển dụng các em vào làm việc bán thời gian và hàng ngày đều có xe của công ty đưa đón các em đến nhà máy để làm việc. Có thu nhập, các em có thể tự chi trả học phí và sinh hoạt cá nhân. Như vậy, doanh nghiệp đã đồng hành với nhà trường để tạo việc làm và thu nhập cho các em.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra chính là chất lượng đào tạo, các giáo viên cũng phải đồng hành cùng các sinh viên. “Sinh viên nào không vượt qua được các kỳ thi thì giáo viên phải tiếp tục hỗ trợ đào tạo để các em vượt qua kỳ thi đến khi đạt và nhà trường không thu thêm một đồng học phí nào. Sinh viên chính là sản phẩm của nhà trường và phải chịu sự ràng buộc với các quy định của nhà trường” - NGND.TS Nguyễn Đức Trí chia sẻ.
Hiện nay, sinh viên của trường phần lớn xuất thân từ các gia đình nông thôn, điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn có nhu cầu được đi làm ngay trong quá trình học tập để có thu nhập. Trước những nhu cầu đa dạng của người học và điều kiện thực tế của nhà trường, để giải quyết bài toàn này nhà trường xác định phải đẩy mạnh hoạt động hợp tác viện - trường - doanh nghiệp, lấy thế mạnh của đối tác để khắc phục điểm yếu trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của các bên.
Đẩy mạnh hợp tác viện- trường - doanh nghiệp
NGND.TS Nguyễn Đức Trí chia sẻ, việc kết nối hoạt động nghiên cứu và đào tạo gắn kết viện - trường - doanh nghiệp chính là hướng đi cần thiết để giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung nói riêng vươn lên nắm chắc các cơ hội phát triển và khẳng định chỗ đứng.
Ký kết văn bản hợp tác đào tạo và định hướng sử dụng giữa VIU với các trường thuộc Bộ Công Thương và doanh nghiệp |
Theo đó, từ năm 2017 nhà trường đã ký kết hợp tác với 6 trường đại học của Đài Loan (Trung Quốc); kết nối với Hiệp hội Thương gia Đài Loan nhằm mục tiêu phục vụ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam. Từ giữa năm 2018, trường đã thành lập Trung tâm Hợp tác quốc tế về đào tạo và chuyển giao công nghệ. Trung tâm có tư cách pháp nhân riêng và là cơ sở kết nối, cung ứng các dịch vụ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, cung ứng dịch vụ khoa học - công nghệ… giúp nhà trường phát huy vai trò đối với cộng đồng, xã hội.
Trong hợp tác tuyển sinh với các trường, đến nay trường đã ký hợp tác với 755 trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Các chương trình hợp tác này đã giúp trường triển khai công tác hướng nghiệp và tuyển sinh một cách thuận lợi đến các em học sinh lớp 12.
Bên cạnh đó, trường đã xây dựng mạng lưới liên kết với các trường cao đẳng, đại học trong Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cũng đã xây dựng được mối quan hệ với 5 cơ sở đào tạo của Hungary, 18 trường đại học và doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, hiện nhà trường đã xây dựng được mạng lưới liên kết với các hiệp hội, tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước với 225 tập đoàn, tổng công ty, tổ chức, doanh nghiệp; 7 hiệp hội ngành nghề Đài Loan (trong đó có hơn 90 doanh nghiệp có thỏa thuận hợp tác tiếp nhận sinh viên đến thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp).
“Hàng năm, hàng trăm vị trí việc làm với các yêu cầu và mức lượng cụ thể được doanh nghiệp chuyển tới nhà trường. Đây là những công việc rất đa dạng từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với nhiều cấp trình độ. Sinh viên mới vào trường, sinh viên đang theo học, sinh viên vừa tốt nghiệp đều có thể lựa chọn để đăng ký công việc phù hợp nhất với bản thân”- NGND.TS Nguyễn Đức Trí cho biết.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động hợp tác viện - trường - doanh nghiệp của Trường Đại học Công nghiệp Việt- Hung đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhà trường đã xây dựng được các tổ hợp, mạng lưới hợp tác, liên kết theo hướng mở, đáp ứng các mục tiêu và phương châm đặt ra. Thời gian tới, nhà trường xác định phải tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt ở tất cả các ngành, bậc đào tạo.