Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp: Chăm lo người lao động Công bố Quyết định thành lập Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp |
Sáng ngày 9/7, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ công bố quyết định, trao Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và bế giảng khoá học 2018-2022.
Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng được trao cho hai chương trình đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển, tự động hóa và ngành kinh doanh thương mại của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp. Theo đó nâng tổng số chương trình đào tạo của nhà trường đã đạt tiêu chuẩn về kiểm định là 11 trên 12, tương ứng với tỷ lệ 92% chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Trần Hoàng Long – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương – cho hay, việc đón nhận thêm hai chứng nhận chất lượng chương trình đào tạo là vinh dự, tự hào của nhà trường. Đồng thời cho biết, để có kết quả này, thời gian qua nhà trường và các khoa đã nhận được sự hướng dẫn rất tận tình, cùng với sự động viên từ các thầy, cô ở Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu trong các hoạt động đào tạo, nhà trường cũng đã có những giải pháp để hoàn thiện trong thời gian tới.
Những thành công và sự nỗ lực cố gắng bền bỉ của các thế hệ nhà trường trong 66 năm qua đã khẳng định uy tín, truyền thống đào tạo của nhà trường, TS. Trần Hoàng Long – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nêu rõ, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, xây dựng chương trình phù hợp với thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.
TS. Trần Hoàng Long – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, xây dựng chương trình phù hợp với thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội |
Cùng với các cơ sở đào tạo trong cả nước, khoá học 2018-2022 của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã trải qua không ít khó khăn, nhất là hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm gián đoạn công tác giảng dạy, đào tạo. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường đánh giá, các giáo viên, đơn vị trong toàn trường đã tận tình dìu dắt, rèn luyện, giúp đỡ sinh viên vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, trong đó có 195 sinh viên xuất sắc, giỏi.
Ngoài việc học tập, rèn luyện, sinh viên khoá học 2018-2022 của nhà trường cũng đã thể hiện sự năng động, tự tin và niềm đam mê với hoạt động khoa học công nghệ. Nhiều sinh viên đã mạnh dạn đăng ký các đề tài khoa học và tạo ra nhiều mô hình, sản phẩm được đánh giá cao, được ứng dụng vào thực tế giảng dạy thực hành tại trường và các doanh nghiệp.
Trải qua 66 năm trưởng thành và phát triển, ngày nay, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp hiện đã trở thành một cơ sở giáo dục đại học định hướng hoạt động theo cơ chế tự chủ, thực hiện đầy đủ các chức năng giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng đáp ứng mục tiêu xã hội và yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, từng bước hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trường đại học ứng dụng hàng đầu của cả nước.
Tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương – Trần Việt Hoà đánh giá, với việc đón nhận nhận hai Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cho hai chương trình đào tạo các ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa và ngành kinh doanh thương mại có thể nói đây là một thành quả quý báu, đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp phát triển của nhà trường.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương – Trần Việt Hoà: nhà trường cần thúc đẩy gắn kết giữa công tác đào tạo với phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo |
Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII và Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã khẳng định, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030. “Điều đó đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy chiến lược và tổ chức thực hiện. Đặt nhu cầu xã hội và doanh nghiệp vào trung tâm của các hoạt động khoa học và công nghệ và giáo dục, đào tạo” - ông Trần Việt Hoà nhấn mạnh.
Theo ông Trần Việt Hoà, sứ mệnh của các trường đại học không đơn thuần giới hạn trong phạm vi công tác đào tạo mà nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của các trường đại học đối với xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Để tiếp nối các thành tựu đã đạt được trong hơn 60 năm qua, trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu, đỏi hỏi mới của xã hội, ông Trần Việt Hoà cho rằng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cần tập trung một số nội dung quan trọng, trong đó: Định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở các lĩnh vực thế mạnh với các loại hình nghiên cứu triển khai dự án, sản xuất thử nghiệm; phát triển khoa học công nghệ gắn kết chặt chẽ với phát triển đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ và mở rộng cơ hội việc làm, phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học.
Ngoài ra, nhà trường cần thúc đẩy hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khoa học và công nghệ chung với các hoạt động được tổ chức bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, câu lạc bộ các Trường đại học kỹ thuật hàng năm, Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Từng bước đưa các công trình nghiên cứu khoa học thế mạnh và có kết quả tốt của trường được công bố tại các Hội nghị, Hội thảo chung để dần nâng cao uy tín, năng lực khoa học và công nghệ của các trường cũng như tìm các đối tác hợp tác, đầu tư về khoa học và công nghệ phù hợp.