Triệt phá công ty may hàng nghìn sản phẩm giả hiệu Adidas, Nike, Gucci |
Cụ thể, ngày 19/10/2020, Đội QLTT số 5 Cục QLTT Hải Dương đã làm thủ tục chuyển giao vụ việc sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike, Gucci, Lacoste tại Công ty TNHH May Đăng Linh - thôn Quang Trung, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương bởi có dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 226 Bộ Luật hình sự cho Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương. Vụ việc được chuyển giao cho cơ quan điều tra có giá trị hàng hóa vi phạm gần 500 triệu đồng gồm trên 6.400 áo phông các loại giả mạo các nhãn hiệu “Adidas và hình”, “Nike và hình”, “Gucci và hình”, “Lacoste và hình”.
Nhân công đang gia công hàng giả tại cơ sở |
Ngoài ra còn có một số lượng lớn sản phẩm bán thành phẩm, nguyên phụ liệu và phương tiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm gồm trên 2.000 sản phẩm bán thành phẩm, gần 100kg chỉ may, cúc áo và 4 máy may công nghiệp.
Trước đó, Vuasanca đã đưa tin, ngày 4/9/2020, Đội QLTT số 5 đã chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Công an xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện tổ chức kiểm tra tại Công ty TNHH May Đăng Linh, địa chỉ: thôn Quang Trung, xã Hồng Phong, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Quá trình kiểm tra phát hiện tại công ty đang sản xuất, gia công các sản phẩm áo phông mang nhãn hiệu của các thương hiệu lớn, nổi tiếng như Gucci, Nike, Lacoste. Quá trình điều tra, xác minh làm rõ đã xác định toàn bộ số hàng hóa được sản xuất, gia công tại công ty là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong đó, chỉ tính riêng số lượng hàng hóa thành phẩm đã có giá trị gần 500 triệu đồng.
Đây là vụ việc sản xuất hàng giả bị phát hiện, xử lý quy mô lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây và nằm trong đợt cao điểm triển khai Kế hoạch 3972 của Tổng cục QLTT trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ đầu tháng 7 trở lại đây.
Việc phát hiện, xử lý hình sự các đối tượng sản xuất hàng giả có quy mô thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm lớn được xem là chế tài đủ mạnh với các đối tượng làm ăn phi pháp đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu cũng như đảm bảo, duy trì trật tự xã hội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ Luật hình sự quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì “Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.