CôngThương - Cứ theo lý lẽ cổ điển thì cái “đáng ghét” nhất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tồn tại sự bóc lột. Hẳn trong bộ nhớ của nhiều người vẫn còn hình ảnh của một “tên tư bản” béo phì, một tay cầm ba toong, ngồi trên một chiếc ghế quyền lực để “chỉ tay năm ngón”, phía xa kia là những người lao động khốn khổ. Công cụ để xảy ra tình trạng bóc lột chính là “giá trị thặng dư”. Vậy cái “giá trị thặng dư” đầy hấp dẫn kia từ đâu ra?
Ông Nguyễn Duy Hồng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương: Quan tâm, bảo đảm cuộc sống của người lao động là hành động mang tính nhân văn của chủ DN |
Hôm vừa rồi, một cụ hưu trí về thăm lại cơ sở thương mại điển hình tiên tiến của mình khi ông còn đang làm Bộ trưởng, đó là HTX mua bán Minh Dương, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Điều bất ngờ là cái HTX chế biến thực phẩm nhỏ bé xưa kia nay đã trở thành một doanh nghiệp tầm cỡ (Công ty CP thực phẩm Minh Dương) có nhà máy chế biến hiện đại, máy móc sáng choang với doanh thu khoảng 140 tỷ đồng một năm. Xã viên HTX trở thành những công nhân lành nghề của một công ty cổ phần với mức lương bình quân 4,5- 5 triệu đồng/tháng- một giấc mơ của người dân vùng thuần nông. Đặc biệt là ở chỗ, tất cả vốn liếng đều sinh ra từ mảnh đất thuần nông ấy và người chủ nhiệm HTX mua bán xưa kia đã trở thành một ông giám đốc giàu có và rất... nhân văn.
Trong cuộc trò chuyện giữa khách và chủ, một vấn đề được đặt ra: “Giá trị thặng dư” từ đâu ra?
Ông giám đốc kể rằng, cách đây khoảng hơn chục năm, xã có một vườn cây ăn quả do các cụ phụ lão quản lý rộng hơn 2ha. Các cụ đánh vật với vườn cây suốt năm mà sản phẩm thu được chỉ trị giá bằng 2- 3 tấn thóc. Xã thấy “bí” quá, bèn cho đấu thầu. Ông giám đốc trúng thầu với giá ngất ngưởng: 49 tấn thóc/năm, tức khoảng 20 tấn thóc/ha. Ai cũng lo cho ông, nhưng ông chỉ cười và bảo rằng: “Do các cụ không biết làm thôi”!
Thế rồi ông giám đốc nọ bỏ vốn ra đầu tư, hình thành một mô hình V.A.C khép kín. Vườn quả được cải tạo thành vườn chuyên canh những cây ăn quả cao cấp. Một phần diện tích dành cho chăn nuôi, từ gà công nghiệp đến lợn, hươu, đà điểu, cá sấu, các loại cá... Chẳng bao lâu, khu vườn xơ xác xưa kia trở thành một mẫu hình trang trại có hiệu quả cao.
Và, chỉ ít lâu sau, mỗi năm trang trại của ông cho ra lò hơn 1.000 tấn lợn thịt, hàng vạn con gà, hàng tạ đà điểu..., rồi cam, bưởi..., mùa nào thức nấy. Doanh thu mỗi năm trên dưới 4 tỷ đồng, bằng 2.000 tấn thóc. Sau khi đóng tiền thầu, thuế má, thưởng cho nhân viên, thực lãi mà ông thu được khoảng 2 tỷ đồng. Cứ thế mà tích lũy vốn, xây dựng nhà máy, nâng tầm doanh nghiệp...
Ông Võ Quốc Thắng Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm: Nếu công ty gặp khó khăn, người không có cơm ăn đầu tiên chính là Võ Quốc Thắng! |
Nếu tư duy theo lối cổ thì ông giám đốc ấy đã “bóc lột giá trị thặng dư” của người lao động một cách quá thậm tệ. Nhưng ở đây, những người làm công, ăn lương ai cũng thấy mình vô cùng may mắn được làm việc trong trang trại này. Trong ánh mắt và ngôn ngữ của họ luôn luôn biểu hiện cái “được” chứ không một chút hoài nghi là mình bị “mất” cái gì, bởi họ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, lại được mua bảo hiểm xã hội...
Ấy là chuyện khi giá trị thặng dư “dương”, còn khi nó “âm” thì sao?
Trong lễ kỷ niệm 43 năm ngày thành lập thương hiệu Đồng Tâm, ông Võ Thành Lân- người sáng lập thương hiệu Đồng Tâm từ năm 1969 tại khu vực bến Phú Định, Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh)- đã gửi lời tri ân đến toàn thể người lao động của công ty. Ông nói: “Tôi rất xúc động vì trong suốt thời gian qua, các anh, các chị đã hy sinh vì thương hiệu của Đồng Tâm. Nhờ đó mà Đồng Tâm đứng vững và phát triển”!
Gạch Đồng Tâm không phải bây giờ mới khó khăn. Hồi Tết Nhâm Thìn vừa rồi, không có tiền thưởng Tết cho nhân viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tâm Võ Quốc Thắng đã rút gần 10 tỷ đồng tiền cá nhân thưởng cho toàn thể 3.500 lao động. Nhiều người nhớ đến lời ông đã từng tuyên bố: “Nếu công ty gặp khó khăn, người không có cơm ăn đầu tiên chính là Võ Quốc Thắng”!
Vậy giả định nếu đúng như vậy, liệu có thể đánh giá rằng “nhà tư bản” Võ Quốc Thắng đã bị công nhân “bóc lột” không?
Phải chăng, cái khoản lợi nhuận kia, cái mà các nhà lý luận kinh tế chính trị học thường gọi là giá trị thặng dư khi “dương”, khi “âm” ấy, không phải do những người lao động giản đơn kia tạo ra mà do lao động phức tạp cùng với sự chấp nhận rủi ro tạo ra. Những người “lao động phức tạp cùng với sự chấp nhận rủi ro” kia đáng được hưởng thành quả ấy mà chẳng phải lăn tăn mình đã cướp đoạt của ai cả!