Đóng góp phát triển thị trường lao động
Việc làm có vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển, có ý nghĩa sống còn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực cho phát triển con người và xã hội một cách bền vững nhất.
Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), phát biểu |
Theo ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), lĩnh vực việc làm đang là vấn đề được toàn thể xã hội hết sức quan tâm, có nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực việc làm cần truyền tải như: Các chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, chính sách việc làm với thanh niên, phụ nữ… Phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động đề án dự báo cung cầu lao động; Hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm; Đề án quản lý lao động, sử dụng lực lượng lao động, lao động nước ngoài tại việt nam đang thu hút sự quan tâm của xã hội; Chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, hiện nay còn nhiều người chưa biết đến những chính sách này, chính vì vậy để truyền tải các nội dung, nội hàm về vấn đề việc làm, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm đến người lao động thì vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí lại càng quan trọng.
Hội nghị Truyền thông về việc làm thu hút sự quan tâm của các cơ quan quan lý, nhà khoa học và 80 cơ quan báo chí khu vực phía Nam |
Tại hội nghị, cơ quan quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đề nhìn nhận truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng trong tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân. Công tác truyền thông đối với thị trường lao động (TTLĐ) có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong định hướng xây dựng và thực hiện chính sách, xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy các lực lượng thị trường vận hành phù hợp theo những định hướng và chính sách đó. Truyền thông, tuyên truyền giúp cho các hoạt động và quản trị TTLĐ, các chủ thể nắm bắt được thông tin thị trường, điều chỉnh các hành vi cho phù hợp.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhìn nhận, hiện công tác tuyên truyền, thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực thi chính sách việc làm đến với người dân còn chậm, độ bao phủ chưa cao, nhiều đối tượng chưa được tiếp cận với nguồn thông tin, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng xa
Thách thức và triển vọng thị trường việc làm trong kỷ nguyên 4.0
Trong bối cảnh hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế; mang đến những cơ hội và thách thức cho thị trường việc làm của Việt Nam.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực – cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực, phát biểu tại hội nghị |
Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. “Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo,... đang là yêu cầu cấp thiết” - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và trong nước, cùng các chuyên gia cho rằng, CMCN 4.0 mang lại cơ hội lớn cho các nước đang phát triển nói chung, trong đó có Việt Nam phát triển lên công nghệ cao. CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính toàn diện, từ cấu trúc thị trường, đến cách thức sản xuất, tiêu dùng và quản lý nhà nước. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống cũng như việc tiếp cận thị trường thế giới trên nền tảng số, internet để tăng trưởng nhanh với giá trị gia tăng cao và bền vững.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đang và sẽ mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh; các loại hình kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, logistic, robotics,… thông minh hóa. CMCN 4.0 còn giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, quản lý mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số; quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia.
Theo ông Trần Anh Tuấn công nghiệp 4.0 tác động rất lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực, sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ – trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy thị trường lao động truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ... Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm là hiện nay Việt Nam có cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực có nghề chuyên môn kỷ thuật chất lượng cao chiếm số lượng ít,chưa đáp ứng kịp những thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại.
Do đó, chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với sự biến đổi của công nghệ và phát triển của cách mạng công nghiệp mới; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội với những trụ đỡ về việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội.