TS Nguyễn Quốc Việt: Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thông tin thị trường
Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với những thách thức, từ tháng 7/2022, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài có sự tham dự của các thương vụ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Nhân sự kiện này, phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022?
7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% và nhập khẩu đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6%. 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 764 triệu USD.
7 tháng đầu năm 2022, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 33,671 tỷ USD, tăng trưởng 13,1% so với cùng kỳ 2021; điện tử, máy tính và linh kiện 31,681 tỷ USD, tăng trưởng 14,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 24,9 tỷ USD, tăng 24,1%; dệt may 22,13 tỷ USD, tăng 19,8%; giày dép 14,09 tỷ USD, tăng 19,6%...
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội |
Về nhập khẩu, 7 tháng đầu năm có 33 mặt hàng nhập khẩu trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 3 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 10 tỷ USD, bao gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 49,905 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ 2021; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 26,26 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước và điện thoại linh kiện đạt 11,828 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng khả quan so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những tháng gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,93 tỷ USD, giảm 8,5% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,39 tỷ USD, giảm 7,4%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,6 tỷ USD, giảm 4% so với tháng trước. Điều đó cho thấy, tăng trưởng xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu chững lại trong những tháng gần đây.
Theo phân tích của ông, thì hoạt động xuất nhập khẩu những tháng gần đây đang đối mặt với những thách thức, thưa ông?
Đúng vậy, mặc dù có sự tăng trưởng khá tích cực trong những tháng đầu năm, tuy nhiên theo tôi tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3 tháng liên tiếp gần đây với mức giảm lần lượt trong các tháng 5, 6, 7 là 4,47%; 0,26% và 4,0%. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do tác động từ lạm phát chi phí đẩy, khiến giá cả nhiều loại hàng hoá nhập khẩu tăng lên, doanh nghiệp không nhập được hàng, hoặc do đứt gãy nguồn cung cho Trung Quốc thực hiện chính sách "zero Covid-19".
Ngoài ra, việc tăng trưởng xuất khẩu chững lại có thể do việc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, khiến đồng USD tăng mạnh, trong khi Việt Nam vẫn phải giữ ổn định tỷ giá để hỗ trợ kiểm soát lạm phát, khiến tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó, một số đơn hàng trong nước bị “bó hẹp” do tác động của chuỗi cung ứng khu vực FDI dẫn đến chỉ số sản xuất đi xuống, và suy thoái kinh tế ở hầu hết các nền kinh tế khiến họ thắt chặt chi tiêu cũng tác động đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian tới, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu trong nước tiếp tục đối mặt với những thách thức do tình hình kinh tế, thế giới có nhiều biến động khó lường, và nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất thì sẽ khiến hàng hoá của Việt Nam bị cạnh ranh khốc liệt tại thị trường nước ngoài, đặt ra những thách thức đối với xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.
Thông qua Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu sẽ nắm bắt được những thông tin về nhu cầu hàng hoá của các thị trường nước ngoài |
Với những khó khăn trên, theo ông Việt Nam cần có những giải pháp nào để tăng trưởng xuất khẩu những tháng cuối năm?
Theo tôi có 5 giải pháp giúp Việt Nam ổn định đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Bao gồm, thứ nhất, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng và giảm thiểu các thủ tục phiền hà, rút ngắn các thủ tục xuyên biên giới cho thương mại, đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuyên biên giới của khu vực trong và ngoài nước.
Thứ hai, thời gian qua Việt Nam đã rất thành công trong việc tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương đã ký kết, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đến từ việc mở rộng xuất khẩu thông qua các FTA, tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn cần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp để khai thác tốt hơn các thị trường này trong thời gian tới.
Thứ ba, cần thúc đẩy sự tham gia sâu hơn các chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước thông qua các doanh nghiệp FDI. Đây được đánh giá là “bệ đỡ” cho toàn bộ quá trình tăng trưởng của kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.
Thứ tư, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số và thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn được dự báo diễn biến phức tạp.
Thứ năm, Bộ Công Thương cần tích cực hơn nữa với các chương trình xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài, nhằm quảng bá sản phẩm của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong tiếp cận thị trường khó tính, thị trường mới từ các FTA vừa được ký kết, qua đó thúc đẩy các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam có thế mạnh ra thị trường nước ngoài.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, từ tháng 7/2022, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài có sự tham dự của các thương vụ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. Theo ông, hoạt động này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới?
Theo tôi, hoạt động giao ban xúc tiến thương mại với thị trường nước ngoài dưới sự tham gia của các thương vụ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước mà Bộ Công Thương tổ chức có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực đang diễn biến rất khó lường như hiện nay. Thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu sẽ nắm bắt được những thông tin về nhu cầu hàng hoá của các thị trường nước ngoài, cũng như những yêu cầu đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường của họ, từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đặc biệt hơn, trong bối cảnh hiện nay, mỗi quốc gia đều có những chiến lược mới hậu Covid-19 để phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư… nhằm ứng phó với những bất ổn của nền kinh tế, nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cập nhật các thông tin về chiến lược, yêu cầu mới của các thị trường xuất khẩu. Do đó, thông qua hoạt động này, Bộ Công Thương sẽ có những chính sách hỗ trợ cần thiết, nhất là tư vấn thông tin, kết nối và giới thiệu hiệu qủa hơn cho doanh nghiệp, nhất là với những đơn hàng đòi hỏi cao hơn về các tiêu chuẩn chất lượng tại những thị trường khó tính.
Xin trân trọng cảm ơn ông!