Tháo gỡ chính sách thuế đối với phân bón, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Xuất khẩu phân bón: Cần linh hoạt, ưu tiên nhu cầu trong nước trước |
Nhu cầu phân bón ở Việt Nam vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn
Phát biểu tại Đại hội, Tiến sỹ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Nhiệm kỳ 2018-2023 của Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, bất ngờ và khó lường như dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị. Qua đó tác động trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng.
TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam giữ chức Chủ tịch Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ VI (2024 - 2029). Ảnh: CD |
Thông tin về kết quả tổng quan ngành phân bón, ông Hà chia sẻ, nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng 10,5 - 11 triệu tấn các loại mỗi năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu trên 2,62 triệu tấn, tăng gần 59% về khối lượng. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại ghi nhận giảm 47% xuống còn 856 triệu USD.
Về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm khoảng 38% - 40% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước năm 2023.
Thời gian gần đây mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 6,5 – 7 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, sản lượng sản xuất phân ure năm 2023 tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đạt 325.860 tấn; Đạm Ninh Bình đạt 440.000 tấn.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ghi nhận sản lượng sản xuất khoảng 3,1 triệu tấn phân bón các loại; PVFCCo đạt trên 980.000 tấn; PVCFC đạt 954.000 tấn ure và 150.000 tấn NPF...
Đối với phân bón hữu cơ, ông Hà nhấn mạnh: "Để sản xuất nông nghiệp xanh đang rất cần khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thế nhưng tỉ lệ vẫn còn khiêm tốn với khoảng 2 - 3 triệu tấn/năm".
Về những mặt hạn chế, ông Hà cho biết, do nguồn lực và nhân lực có hạn nên trong nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội vẫn còn chưa chú trọng được nhiều vào xu thế mới là giảm khí phát thải nhà kính khi sản xuất và sử dụng phân bón, tăng cường nghiên cứu và sử dụng các loại phân bón thế hệ mới.
Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội Phân bón Việt Nam tiếp tục kiến nghị sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 phần liên quan đến phân bón (chuyển phân bón từ mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế gia trị gia tăng ở mức 5%); kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định 26 về thuế suất thuế xuất khẩu phân bón theo nguyên tắc: áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã góp ý, phản biện và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp thành viên đối với văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp phân bón, thí dụ các thủ tục về khảo nghiệm, số lượng các chủng loại phân bón.
Hiệp hội cần tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước
Ghi nhận những đóng góp quan trọng của Hiệp hội Phân bón Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam có giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả, chủ động nguồn nguyên liệu để duy trì đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường trong nước, áp dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tiết giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phù hợp để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ, trong đó các doanh nghiệp cần có kế hoạch, chủ động, tích cực, từng bước chuyển dần một phần sang sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ nhằm cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ, đáp ứng nhu cầu của người nông dân; hướng đến các mặt hàng chất lượng cao, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ VI (2024 - 2029) ra mắt nhiệm kỳ mới. Ảnh:CD |
Hiệp hội cũng cần tiếp tục tham gia đề xuất, tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất phân bón chất lượng cao; xây dựng và triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phân bón, nâng cao khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Đặc biệt, Hiệp hội cần phát huy vai trò trong các hoạt động hợp tác công tư để xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón trong việc cung ứng các sản phẩm ưu việt và hướng dẫn người dân sử dụng một cách hiệu quả; tích cực phối hợp với với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền và hưởng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả.
Ngoài ra, Hiệp hội cần tiếp tục làm tốt vai trò người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường sâu sát, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tạo đột phá cho phát triển, tham gia sâu rộng hơn nữa cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như bảo vệ quyền lợi cho các thành viên cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc để cùng phát triển.
Tại Đại hội, các thành viên Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã bầu Ban Thường vụ Hiệp hội Phân bón Việt Nam gồm 28 thành viên. Tiến sỹ Phùng Hà - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký làm Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Nguyễn Trí Ngọc được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. |