Theo quy định tại Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (gọi tắt là Luật) mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2023, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được một số chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng.
Trong đó, những người này sẽ được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Ngoài ra, cũng sẽ được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể như, khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân.
Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Hay khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được hưởng một số hỗ trợ, bồi dưỡng. (Ảnh minh họa, nguồn: Công an tỉnh Bình Phước) |
Ngoài ra, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng sẽ được hưởng chế độ, chính sách bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, đối với người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thì được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an đã đánh giá cụ thể về thực trạng lực lượng, nguồn lực hiện có, thực trạng chỉ hiện nay và khả năng bảo đảm kinh phí, ngân sách của các địa phương để chi trả chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay làm cơ sở đề xuất nội dung quy định. Theo đó Luật quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện và bảo đảm khả thi khi Luật này được ban hành.
Ngoài ra, Luật cũng quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đảm bảo một số điều kiện hoạt động khác như bảo đảm về địa điểm, nơi làm việc; về trang bị, phương tiện; về trang phục, phù hiệu; giấy chứng nhận.
Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 5 Chương, 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. |