Trên công trình thủy điện Sơn La |
Sớm sớm, sương vẫn giăng đầy, để các con đường ướt nhoẹt. Đứng ở đâu đó trên cao, lúc mặt trời chợt hửng, nhìn xuống, xa xa, con đường như con trăn đen bóng nhẫy trườn trên các triền núi. Những đường dây 500kV tựa như dây đàn Mang-do-lin từ trạm biến thế đi lên, duỗi ra, căng trên thảm xanh hay sườn núi trắng xóa, y như màu mặt cây đàn lúc xanh, lúc trắng, khi bất chợt có đám mây theo gió rừng sà xuống bao phủ cả thềm rừng.
“Mưa về là nước hồ đầy nhanh lắm. Không biết đã có lệnh cho công ty vận hành công trình xả bớt nước, bảo đảm an toàn cho hồ và đập chưa?”, Nam Béo nói với ai đó sau bữa cơm chiều.
Quả nhiên, sẩm tối ấy, tôi nghe tiếng còi ủ ầm lên, từ phía đập vọng về. Tôi hỏi, mới biết cánh công ty vận hành theo lệnh từ Hà Nội đang xả nước ở hai cửa xả. Tôi chạy xe ra xem cảnh xả nước. Mới xả hai cửa mà đã thấy nước vọt lên cả trăm mét, tạo nên một khoảng không trung mù mịt, đặc sương khói. Tựa như có trận mưa lớn hối hả đổ xuống chỉ riêng cho vùng phía dưới hạ lưu chân đập.
Từ Thủy điện Sơn La tới Lai Châu là sự khác biệt, cách tân. Ở Sơn La, cửa xả xối nước thẳng xuống hạ lưu. Người ta phải làm dưới đáy đập, hạ lưu, một hồ nước sâu với đáy bê-tông để khi xả, lúc lũ mạnh về. Với hàng trăm mét áp lực chênh lệnh cột nước, đáy bê-tông ấy sẽ ngăn sức mạnh của nước, giữ an toàn chân đập. Còn ở Lai Châu, nước từ cửa xả xối vào một bờ chắn bê-tông thép kiên cố, rồi vọt lên, trước khi rơi xuống mặt nước chân đập. Nước, một phần tan thành mưa bụi rơi xuống hạ lưu. Sự tính toán ấy giảm tối thiểu lực tàn phá, thế năng của dòng xả, bảo vệ được lòng hồ hạ lưu sát chân đập. Chỉ thay đổi chi tiết tưởng bình thường như thế, cũng tiết kiệm cho đất nước hàng ngàn tỷ đồng.
Lê Xuân Phúc - kỹ sư cơ khí, sinh năm 1970, phụ trách tổ cơ điện - tâm sự với tôi bên roto tổ máy 3 đang chuẩn bị lắp, to như ngôi nhà ba tầng, nặng cả ngàn tấn: Công việc thủy điện tạo ra hứng thú ghê gớm ở nhiều hoàn cảnh giàu kịch tính, đòi hỏi mỗi kỹ sư, các bậc chuyên gia từng nhóm việc, vắt óc mà tìm một giải pháp tối ưu trong công việc. Khi tìm ra được giải pháp, sẽ tạo nên hứng khởi sung sướng, đê mê đến mất ngủ. Cuộc sống lao động trí tuệ như vậy và phong cách sống trong một tập thể, gắn bó nhau hệt như quân đội các anh năm xưa thôi. Năm ngoái mà anh lên đây vào giờ này, để kịp cho tổ máy 1 hoạt động, lính cơ điện túi bụi làm việc, bất kể đêm ngày. Bám đập triền miên, ăn ngủ thất thường, mà già trẻ không ai kêu ca. Mưa gió vùng núi thất thường, nên giấc ngủ cũng không yên khi việc mình còn dang dở trên đập. Từ tháng 5 - 6/2015 làm việc căng nhất, khi chuẩn bị đóng cống, để sao đủ nước mà tích nước cho cuối năm. Nước đầy chạy thử nghiệm đóng máy tổ máy số 1. Riêng việc đóng cống trữ nước khi nào, đã có ba kịch bản về thời gian đóng. Mọi sơ sảy đều phải trả giá, nên không thể lơ là hay thiếu sót kỹ thuật được.
Tôi chợt nhớ lại buổi giao ban mà anh Thìn điều khiển. Buổi giao ban đều đặn mỗi tháng một lần. Người chủ trì, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước, kiểm tra từng việc, đôn đáo, rà xóc việc lớn, nhỏ từng hạng mục công trình. Cũng là để Nhà nước và lãnh đạo có thể biết ngay từng diễn biến ở công trường thủy điện cấp quốc gia này. Bữa ấy, cũng là buổi giao ban cuối cùng của người anh hùng Thái Phụng Nê ở tư cách Phái viên Thủ tướng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước, trước khi về nghỉ chế độ. Từ công an địa phương tới tất cả các đơn vị tham gia xây dựng, như: Tổng công ty sông Đà, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Trường Sơn và Tổng công ty Lilama lắp đặt thiết bị. Tôi hoàn toàn bất ngờ ở buổi giao ban ấy, khi các đơn vị quyết liệt truy xét nhau, phân tích căng thẳng và cuối cùng thống nhất một kế hoạch cho mục tiêu phải làm bằng được, hiệu quả, đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết, giao ước bằng danh dự từng đơn vị với nhau từng năm. Không khí giao ban có lúc rất căng thẳng, gay gắt, quyết liệt ấy, làm tôi nhớ lại những chiến dịch lớn mặt trận ở phía Nam trong chiến tranh mà tôi đã tham gia. Tư lệnh các đơn vị triệu tập các sỹ quan đốc chiến và tham chiến. Có trận, tới cấp đại đội chủ lực. Chúng tôi vây quanh tấm bản đồ lớn. Khi trong căn hầm rộng đào chìm giữa rừng khoop, khi lại trong một hang đá rỗng, thênh thang trên dãy Trường Sơn. Và, bị cấp trên kiểm tra, truy hỏi quyết liệt từng công việc.
Từng công việc của người lính chiến, nếu chưa rõ, chưa tường sẽ bị trả bằng máu. Còn ở đây? “Mỗi ngày trị giá 20 tỷ, anh ạ”, kỹ sư Hoài nói với tôi như thế, khi bàn về trách nhiệm với đồng tiền của nhân dân, đất nước giao cho thủy điện. Có lẽ, chính như vậy mà tạo nên sức mạnh trí tuệ lớn, để hàng triệu triệu khối đất đá được đào đắp; hàng vạn vạn khối bê-tông đầm lăn hoàn thành; vận chuyển hàng trăm ngàn tấn thiết bị; máy biến áp nặng cả trăm tấn, từ tàu biển, qua đường thủy, đường bộ tới tận Sơn La và Lai Châu an toàn. Lại tất cả phải đúng kế hoạch tiến độ kịch bản vạch ra, theo từng mùa nước. Về chuyện này, tôi nghe, hồi hộp tới nghẹt thở khi Giám đốc Phương kể chuyện đưa máy biến áp gần 300 tấn lần đầu tiên qua cầu hạ lưu sát con đập Sơn La. Toàn bộ nín thở, khi ôtô siêu nặng lăn bánh trên dàn tản trọng lực. Đặt các máy móc điện tử quan trắc nhiều loại, cung cấp các thông số, theo dõi từng giây con cầu mới xây, phải cho phép ổn định, trong từng mét di chuyển của xe siêu nặng chở thiết bị 300 tấn qua cầu mới. Những công việc như vậy không thể trì hoãn, đắn đo. Bởi vì nếu lỡ một nhịp là phải đợi chờ cả một mùa khô năm tới. Một năm chậm phát điện, là cả gần nửa tỷ đô sẽ trôi theo dòng nước.
Tôi nghe nhiều câu chuyện như thế để hình dung ra bao chặng đường đã qua của tập thể anh em Ban A ở đây. Tôi nghe bao chuyện, ngẫm mà thương Bồi và phục anh thế. Mấy hôm lên đây, tôi vẫn chú ý người kỹ sư đã đứng tuổi này. Anh vừa bỏ đôi nạng gỗ sau một tai nạn. Bước chân tập tễnh, nhưng chẳng bao giờ thấy anh nghỉ một ngày. Công việc cần anh hay anh nhớ công việc? Cũng chả cần ai biết nữa! Bồi là cánh lính già ở Ban A, có trách nhiệm. Còn anh em kỹ sư trẻ đầu 8X, 9X ra sao? Vũ Quốc Huy là kỹ sư thế hệ mới, thế hệ kế tiếp sau lứa Phúc hay Bồi. Đang trực tổ cơ điện thì cơn lốc bất chợt về. Lốc xoáy tưng bừng, thổi sạch những gì trên đường nó qua. Cậu kỹ sư nhớ lại. “Đó là ngày 8/5/2013, đang trực trên mặt đê thì cơn lốc vụt về. Nhìn quanh, tất cả những gì chúng cháu xây dựng trên mặt đất chỉ vài phút bay sạch bách. Cột thép I. 200 cũng bị vặn gãy. Gió gào rú khủng khiếp. Tụi cháu bốn đứa đang trực tổ điện, quát to bảo nhau, mỗi đứa ôm ghì lấy một chân cột nhà lán bằng sắt đã chôn xuống xi măng, để lốc khỏi cuốn tiêu, bay vụt xuống lòng sông. Lốc xoáy rú lên rùng rùng từng hồi từ khe núi thượng nguồn, quét ngang lại quét dọc, cố lay nhổ cọc, cố dứt tụi cháu ném vào không trung. Đã bay hết mái lán, trơ 5 cái cọc và mấy thằng chúng cháu bé nhỏ vẫn cố bám chặt. Trận lốc kinh hoàng ấy tàn phá bao nhiêu lán trại công trình nổi của công trường. May sao, nhờ sáng kiến bất ngờ, hành động như thế, tụi cháu thoát chết”. “Khi ấy sợ lắm không?”, tôi hỏi. “Có sợ gì! Sau nghĩ lại cũng thấy hơi sợ thật. Chú xem, nó mà thổi xuống sông hay ném lên vách đá thì thôi rồi! Nát nhừ, cong queo như những tấm tôn còn nằm ở góc đất bên vườn rau của Ban”. Chàng thanh niên ấy cười rất tươi, thú nhận nỗi sợ hãi hôm qua. Tôi tra mạng đêm hôm ấy, được biết, vùng khí hậu Tây Bắc ở hẻo, song vùng núi này khi chuyển giao mùa hay có nhiều dòng khí biến ra giông, tạo nên từ sự chênh lệnh áp suất giữa mặt sông và các hẻm núi, khi các khối khí chênh lệch, nhiệt độ khác nhau. Vô khối những cơn lốc bất kỳ như thế. Trong đêm, tôi nhớ, ghi lại câu chuyện này. Tưởng thấy rõ lúc câu chuyện ngừng, nụ cười của Huy vẫn nở tươi trên môi. Tôi đã quay mặt đi, hay thêm một lần lại lặng bên máy tính, ngừng viết, để ngăn xúc động.
Lắp đặt tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La |
Tôi chợt nhớ lại những trận chiến khốc liệt ngày xưa của lũ chúng tôi. Ở Hạ Lào, 1972, khi đánh nhau ở Khungsedon, sở chỉ huy tiểu đoàn 22 bị địch vây, gọi điện cầu cứu. Lính 12.7 chuyên đánh máy bay. Tôi dẫn anh em chạy bộ xuyên rừng khoọp, tức tốc về cứu viện. Tụi tôi đặt súng tư thế nằm bắn bộ binh. Choảng nhau một hồi, 12,7 li và B40, B41 cùng Ak47 cùng khạc lửa, mở ra đường máu cho tiểu đoàn khỏi rơi vào tay địch. Bị trung đội tôi quất bất ngờ, tiêu hao cả đại đội, địch nhãng ra và 4 chiếc máy bay A.37 từ đâu vụt bay tới. L19 bắn đạn khói trúng vào trung đội. Chả kịp dựng súng lên bắn máy bay. Bọn tôi cứ nằm tơ hơ trên mặt đất, trân trân nhìn lần lượt 4 đợt, 32 trái bom tròn xoe rơi thẳng vào đầu mình. Y như ếch nhìn rắn, những khoảnh khắc đủ hơn một phút của thời gian chết cứng. Đông hết cả máu trong người. Mặt đất chao đảo, 4 đợt bom rùng rùng như bão. Lũ tôi thụ động hứng chịu. Lính cựu như tôi biết chắc chết, nhìn rõ chết, không còn kịp mà run sợ. Bao nhiêu năm nhớ lại, bấy nhiêu hồi ức cứ ùa về, trong câu chuyện của đám trẻ ngày nay. Những hoàn cảnh tương tự. Chúng ta, hai con người, hai thế hệ có quãng cách hơn 40 năm, đã cùng vượt qua những nỗi sợ hãi đầy bản năng, để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi âm thầm quay mặt đi, bởi tôi không thể giả cười theo nụ cười rất hồn nhiên của thế hệ các em, các cháu hôm nay. Nghĩ, ngày ấy là cả nước tham chiến, còn hôm nay, ở dưới xuôi kia là quê cậu yên bình. Là Hà Nội đêm đêm sập sình tiếng nhạc và giọng các ca sĩ hạng siêu sao biểu diễn cho hàng ngàn nam thanh nữ tú đón xem. Các buổi ca nhạc tuyệt vời ấy, làm vui cho bao nhiêu con người lao động, đều diễn ra với các dàn máy âm thanh hiện đại, tân kỳ, hệ thống đèn chiếu laser hệ mới nhất. Tất cả phải chạy bằng điện. Các cuộc vui giải trí ở dưới xuôi, không tắt phụt giữa chừng vì công suất điện hôm nay, giờ đã đủ khi Sơn La và Lai Châu có bàn tay của các em, những người thanh niên trẻ, râu ria còn lún phún thế kia, đã ít nhiều trải qua phong ba nghề thủy điện.
Hỏi về nghề, trong câu chuyện tâm sự với Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, Bí thư Chi bộ Đảng Ban A, Phạm Thanh Hoài. Một người bao năm nay cũng lăn lộn thật sự với ngành, khuôn mặt khi nào cũng suy tư, trầm ngâm: “Ứng xử với nước không thể giả dối được. Phải chân thực hết lòng với nước. Tất cả anh em chúng tôi ở đây, mới và cũ, phải đều ý thức rõ điều đó. Phải tự chăm lo hết sức, hết lòng từng phần việc của mình. Quản lý là một vấn đề giữa ý thức của con người, hiểu biết nghề cùng với những biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất. Hai vấn đề này như răng với môi”. Vâng, đúng như vậy, tôi theo đà suy nghĩ của Hoài. Ông cha ta nói, sắc như nước, mềm như nước và mạnh như nước. Những công trình vật thể có thể gian dối khi lòng tham cá nhân, sự ích kỷ không làm người ta nhớ tới lợi quyền của nhân dân, sớm muộn cũng theo thời gian sẽ bộc lộ. Nhưng thủy điện, nhất là khi ứng xử với con sông mạnh mẽ khủng khiếp như Đà giang thì không thể gian dối một khắc, một giờ. Nếu trí trá tí tẹo thôi, thì ngay lập tức nước sẽ trừng trị!
Tôi chợt nhớ tới đêm tôi quan sát anh em chuyên gia nước ngoài thuộc công ty Fichter từ Hà Nội lên. Họ cùng hai nhóm kỹ sư của Nam Béo và Nam Trọc thức trắng đêm, tiến hành thí nghiệm khoa học cuối cùng, lần nữa cho tổ máy số 2 hoạt động, an toàn. Sớm sau, tưởng họ ngủ bù, lại vẫn thấy họ cắp cặp lên văn phòng họp với Nam Béo, soạn thảo hồ sơ báo cáo ngay về Hà Nội cho Phương giám đốc Ban A, cho Tập đoàn. “Phải báo cáo ngay cho sếp Phương yên tâm. Nếu không lão ta xông ngay lên đây, anh ạ!” Họ nói như thế khi tôi hỏi, sao không nghỉ ngơi tới chiều.
Tôi cũng thật ấn tượng khi nghe Nam Béo nói: Anh đừng nghĩ đơn giản, những gì nhà văn nhìn thấy vẫn chưa hết nội dung công việc của ngành. Đập xây xong vững chắc rồi, tổ máy 3 cũng chuẩn bị lắp. Nhưng con đập ấy phải coi như một cơ thể sống. Nó “vẫn thở” theo nhịp thở của địa chất, của núi, đất, sông và hồ. Theo dõi cơ thể này luôn kịp thời, hôm nay và mai sau, mãi mãi cho đơn vị vận hành xử lý mọi phát sinh từng ngày. Chúng em đã đặt hơn 900 con chip-senser dải khắp nền và thân đập. Tất cả các thông số kỹ thuật của con đập từng ngày, thậm chí từng giờ, đều phải nắm được, nhờ thế.
Tôi không thể kể biết bao câu chuyện của hơn ngàn ngày đêm ở Lai Châu này. Nó cần hẳn một cuốn sách dài hơn nữa. Chắc chắn, chỉ cuối năm nay, Thủy điện Lai Châu sẽ hoàn thành cho ba tổ máy phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Lại như ngày nào, tất cả anh em từ Sơn La về đây kiến tạo một Lai Châu, những người thủy điện sẽ tạm biệt nơi rừng núi có đoạn sông này, nơi họ đã viết lên mặt đá, viết hoa giản dị 6 chữ, chứa đựng bao kỳ tích một công trình thứ 2 kỳ vỹ: Công trình Thủy điện Lai Châu.
Mai các anh lại lên đường. Có ai ở vùng rừng này, bản này, non ngàn này nhớ tới tiếng hát của họ, “Nào anh em ta cùng nhau xông pha…” Họ sẽ lại xuôi về Hòa Bình, mở rộng hai tổ máy nữa, xây kế tiếp vào công trình xưa của cha anh họ. Như một dòng sông chảy mãi chưa ngừng, như một “dòng sông điện” đã đóng máy khai thông chẳng bao giờ tắt. Những “con người thủy điện” ít nói lời yêu non non, nước nước… mà yêu lắm của tôi ơi!
(Còn nữa)
TIN LIÊN QUAN | |