Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, nghĩ về mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội
Đã 5 ngày trôi qua kể từ sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người vẫn rơi nước mắt khi nghĩ về những nạn nhân của vụ cháy...
Như đã biết, căn chung cư mini trên có 9 tầng, mỗi tầng có 5 căn hộ và nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Giá bán từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi căn hộ, tùy theo diện tích. Đa số người sinh sống trong chung cư mini này đều là những gia đình có thu nhập thấp, người lao động, học sinh, sinh viên. Trong một đêm, nhiều gia đình đã mất đi người thân, bạn bè, đồng nghiệp… thật là đau xót khôn nguôi.
Trước những mất mát quá lớn về người và tài sản, dư luận không khỏi bàng hoàng và cho rằng các cấp chính quyền cần có những giải pháp cấp bách, để tránh các vụ việc đáng tiếc như trên xảy ra. Trong đó, hàng loạt những vấn đề được đặt ra như cần siết chặt công tác quản lý trật tự xây dựng, quy chuẩn về cấp phép xây dựng, hay công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong các tòa chung cư mini…
Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, nếu mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sớm được hoàn thành, sẽ trao cơ hội cho nhiều người và họ không phải tính đến chuyện mua chung cư mini để ở.
Người dân thu nhập thấp mua chung cư mini, khi không thể "chen chân" mua nhà ở xã hội |
Trước đó, ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất cho những nhóm này thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ.
Đề án trên cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố, theo đó khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, thì địa phương phải xác định diện tích đất xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú của công nhân.
Trên thực tế, hiện nay, ở các tỉnh, thành phố, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, rất ít dự án nhà ở xã hội được triển khai đầu tư xây dựng. Một phần vì thời gian qua, dự án nhà ở xã hội mới được phê duyệt không nhiều. Một phần do các chủ đầu tư nhiều năm “ôm đất” không đủ năng lực triển khai, hoặc chờ cơ hội để điều chỉnh quy hoạch, mục tiêu dự án thành nhà ở thương mại. Nếu có đầu tư xây dựng, hầu như dự án nhà ở xã hội nào cũng diễn ra cảnh tượng mua bán “bát nháo” và thậm chí người đã sở hữu nhà, đất hay có điều kiện lớn về kinh tế vẫn đi xếp hàng mua nhà ở xã hội...
Ở đây, cũng dễ hiểu khi lý giải nguyên nhân bởi độ “hot” của nhà ở xã hội ở thời điểm hiện tại. Trong khi nhà ở xã hội thì cung ít, cầu nhiều, mặt bằng giá chung cư thương mại, nhà đất bị đẩy lên cao, người thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác phải đi “săn” căn hộ giá rẻ. Vì thế, nhiều người đi mua nhà ở xã hội với mục đích để bán lại cho người thu nhập thấp hay dân đầu tư để kiếm lời. Khó chồng khó, người thu nhập thấp muốn sở hữu được một căn nhà ở xã hội không hề dễ dàng. Bởi vậy, họ đang rất chờ đợi Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được triển khai quyết liệt, có nhiều dự án triển khai và sớm hoàn thành mục tiêu.
Có thể nói, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và sẽ giải quyết được bài toán thiếu nhà ở xã hội nhiều năm qua. Nhưng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, đảm bảo sớm hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, thì phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố. Trong đó, vai trò của người đứng đầu phải được nêu cao. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc trong khâu thực hiện cần có những báo cáo, đề xuất lên cấp trên để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Cùng với đó, cả hệ thống chính trị ở các tỉnh, thành phố phải vào cuộc và thực hiện một cách rốt ráo, công khai minh bạch từ khâu lập quy hoạch, phê duyệt dự án, lựa chọn chủ đầu tư và bán nhà ở xã hội đúng đối tượng… Có như vậy, căn hộ giá rẻ mới sớm đến tay những người thu nhập thấp đang mòn mỏi chờ đợi từng ngày, từng giờ và thỏa ước mơ được an cư lạc nghiệp. Và có thể, họ sẽ không phải tính đến chuyện mua căn hộ chung cư mini để ở, như một giải pháp tạm thời.