Từng bước làm chủ công nghệ trên lưới điện
- Ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc EVN NPT - cho biết, do một số nhà máy điện không vào kịp tiến độ theo Quy hoạch điện VII, xu hướng truyền tải chủ yếu của lưới điện 500 kV từ nay đến năm 2017, vẫn là từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Vì vậy, tình trạng vận hành của 2 mạch đường dây (ĐZ) 500kV Nho Quan- Hà Tĩnh - Đà Nẵng luôn căng thẳng.
Theo tính toán, đến cuối năm 2013, khả năng truyền tải của ĐZ 500kV Bắc - Nam sẽ bị hạn chế bởi thông số của các bộ tụ hiện có tại trạm biến áp 500kV Nho Quan và Hà Tĩnh chỉ đạt 1.000A. Trong khi nguồn thủy điện phía Bắc đang rất dồi dào, phía Nam lại thiếu điện nghiêm trọng, EVN NPT đã có kế hoạch lắp 3 dàn tụ bù 2.000 A tại 2 trạm 500 kV Nho Quan và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để lắp tụ bù dọc 2.000A thì phải đặt sản xuất thiết bị ở nước ngoài, thời gian sản xuất, vận chuyển, thi công lắp đặt và hiệu chỉnh mất hàng năm trời. Dự kiến, cuối năm năm 2014, kế hoạch lắp 3 dàn tụ bù 2.000 MVAR tại trạm 500 kV Nho Quan và Hà Tĩnh mới hoàn thành.
Nhằm khai thác tối đa nguồn thủy điện ở phía Bắc, đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam ngay trong mùa khô tới, EVN NPT đã điều chuyển 3 dàn tụ bù 1.500 MVAR được thay ra từ trạm 500 kV Di Linh và Tân Định để tận dụng lắp đặt cho trạm 500 kV Nho Quan và Hà Tĩnh để nâng cao khả năng tải của ĐZ. PTC1 được giao trực tiếp triển khai thực hiện.
Ông Trần Quốc Lẫm - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia: Lần đầu tiên các cán bộ, kỹ sư trong nước lắp đặt, đấu nối, thí nghiệm, hiệu chỉnh và hoàn thiện công trình nâng dung lượng tụ bù dọc tại Trạm 500 kV Nho Quan. Điều đó đã khẳng định trình độ năng lực của ngành truyền tải điện đang từng bước làm chủ công nghệ ĐZ thiết bị hiện đại trên lưới điện, hạn chế lệ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. |
Cũng theo ông Lẫm, từ trước đến nay, việc cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ nội bộ các tụ bù 500kV và thí nghiệm hiệu chỉnh đều phải thuê chuyên gia nước ngoài. Còn lần này, EVN NPT đã chỉ đạo PTC1 tự thi công lắp đặt thí nghiệm hiệu chỉnh. Việc không phải thuê chuyên gia đã tiết kiệm cho nhà nước hàng chục tỷ đồng và khẳng định khả năng của EVN NPT trong việc đột phá làm chủ các công nghệ hiện đại, tiên tiến của nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Hưng - giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình - cho biết, khó khăn nhất là đảm bảo hiệu quả đường truyền cáp quang. Bởi lẽ, bộ tụ bù dọc 1.500 A lắp đặt ở Trạm 500 kV Nho Quan là tận dụng lại từ Trạm 500 kV Di Linh. Thế nhưng, khoảng cách đường truyền cáp quang thiết kế cho tụ bù dọc tại trạm 500 kV Di Linh chỉ đạt 500 m, trong khi khoảng cách đường truyền ở Trạm 500 kV Nho Quan lên tới 700m. Nếu thiết kế, thi công đường truyền cáp quang mới thì rất tốn kém, lại phải chờ đợi, có thể phải lùi tiến độ sang quý I/2014. Anh em đã có sáng kiến xây dựng trạm trung gian, dùng cáp điều khiển để kéo tín hiệu bảo vệ vào nhà điều khiển trung tâm của trạm, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công.
Cũng theo ông Hưng, việc thi công lắp đặt tụ bù dọc diễn ra trong điều kiện ĐZ 500 kV phía trên vẫn đang mang điện. Vì vậy, đơn vị phải làm tốt công tác tiếp địa, nếu đo điện trường thấy vượt mức quy định thì phải làm màn chắn từ. Việc dùng cẩu đưa thiết bị nặng 20 tấn lên sàn ngay dưới đường điện 500 kV cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Đến nay, việc lắp đặt, hiệu chỉnh dàn tụ bù 1.500 A thứ nhất tại Trạm 500 kV Nho Quan đã thành công và đưa vào vận hành an toàn, làm lợi cho nhà nước hàng chục tỷ đồng do không phải thuê chuyên gia nước ngoài. Hiện đơn vị đang tiếp tục thi công lắp đặt dàn tụ bù 1.500A thứ hai.
Ngọc Chính