Tuyên Quang: 70% kinh phí khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc tiên tiến vào sản xuất
Hiệu quả thấy rõ
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang (Trung tâm) và Công ty cổ phần gỗ Đông Dương triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh”. Đến nay, nội dung thuộc đề án đã hoàn thành theo đúng tiến độ, đủ điều kiện để nghiệm thu.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đông Dương, sau khi đề án khuyến công được phê duyệt, đơn vị đã tiến hành triển khai công tác lắp đặt và vận hành chạy thử 1 máy bào 4 mặt 6 dao trong sản xuất gỗ ghép thanh, sau thời gian vận hành, chạy thử, doanh nghiệp đã chính thức đưa vào phục vụ quá trình sản xuất.
Nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh” tại Công ty cổ phần gỗ Đông Dương. Ảnh (Văn Đốc) |
Máy móc thiết bị đầu tư của doanh nghiệp đã phát huy được những ưu việt trong quá trình sản xuất. Cụ thể, máy bào 4 mặt được thiết kế với 6 trục dao giúp làm láng mịn 4 mặt sản phẩm trong một lần đưa phôi. Máy hoạt động tốc độ cao trang bị hệ thống rulo cuốn phôi liên tục giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất sản phẩm, có bảng điều khiển nút bấm đơn giản, thao tác dễ dàng. Đồng thời, dao bào làm bằng hợp kim cao cấp, đảm bảo độ sắc bén, gia công bào nhẵn mịn hiệu quả.
Điều này giúp doanh nghiệp giảm nhân công, cùng đó máy xử lý đa dạng các loại gỗ với những quy cách về kích thước, khối lượng, thể tích khác nhau.
Thành công của đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ ghép thanh” là một trong số nhiều đề án được Trung tâm thực hiện nhiều năm qua.
Chỉ trong 2 năm (2021 - 2022), Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ cho 29 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng kinh phí 4,21 tỷ đồng. Nguồn lực này đã giảm bớt một phần khó khăn về vốn, đồng thời thay đổi cơ bản nhận thức của các cơ sở công nghiệp trong phát triển sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chú trọng đến mẫu mã, bao bì...
Năm 2023, qua rà soát 38 cơ sở trên toàn tỉnh cho thấy các đơn vị có nhu cầu cao về đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và mở rộng sản xuất nhằm thay thế máy móc cũ, công nghệ lạc hậu kém hiệu quả để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, Trung tâm đã tiến hành xây dựng đề án, trình và được phê duyệt một số nội dung.
Khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả
Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là nội dung trọng tâm và chủ yếu trong hoạt động khuyến công do Trung tâm thực hiện hàng năm. Đặc biệt, trong Chương trình khuyến công tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, trên 70% nguồn kinh phí dành cho nội dung này.
Dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên theo Sở Công Thương Tuyên Quang, quá trình thực hiện hỗ trợ các cơ sở đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao và khâu chế biến sản phẩm đòi hỏi vốn ban đầu và chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường, tạo tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro.
Mặt khác, hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn là hộ kinh doanh và doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp, rất khó tập trung vốn để đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trình độ quản lý của chủ các cơ sở còn hạn chế, thiếu chủ động trong việc tiếp cận hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ.
Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng, cải tiến, đổi mới thiết bị, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, theo quy định, chương trình khuyến công của tỉnh được phê duyệt theo giai đoạn (5 năm/lần) nên việc chuyển đổi nội dung, phân bổ kinh phí thực hiện chương trình khuyến công hằng năm khó thực hiện.
Để gia tăng hiệu quả công tác khuyến công trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp, Tuyên Quang xác định ưu tiên các đề án ứng dụng, dự án liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh; chú trọng các công nghệ, thiết bị chế biến sâu, công nghệ, thiết bị sản xuất thực phẩm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ lương thực, rau quả và các chế phẩm, phụ phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Các đề án ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tăng các nguồn kinh phí huy động, lồng ghép khác ngoài nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương để thực hiện các đề án điểm và đẩy mạnh hoạt động khuyến công; huy động thêm nguồn lực tham gia hoạt động khuyến công.
Cùng đó, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.