Tuyên Quang: Phấn đấu tạo việc làm mới cho 22 nghìn lao động trong năm 2023
Năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết việc làm mới cho 24.940 lao động, đạt 116% kế hoạch. Trong đó, lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh là 16.646, lao động đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước là 7.617 và 677 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Tỉnh Tuyên Quang đề ra hàng loạt giải pháp để tạo việc làm mới cho người lao động |
Để có được kết quả tích cực nêu trên, cũng như đảm bảo được các mục tiêu về việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2022, trước đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại; cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch Covid-19 nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cũng đã triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm; hoàn thiện mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới địa phương, thông qua hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Đặc biệt, thông qua các phiên giao dịch việc làm hàng chục nghìn vị trí việc làm tại các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được cung cấp để người lao động lựa chọn được công việc phù hợp. Mặt khác, không chỉ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các huyện, thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn đổi mới tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến để nâng cao hiệu quả.
Đáng chú ý, Tuyên Quang vốn là địa phương không có sẵn nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư bởi những hạn chế về địa lý, tuy nhiên Tuyên Quang đã chủ động triển khai những cách làm sáng tạo, đem đến nhiều hiệu quả tích cực.
Theo đó, những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án tại tỉnh và quảng bá hình ảnh Tuyên Quang thân thiện, an toàn, hiệu quả đến nhà đầu tư.
Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu, cụm công nghiệp thu hút nhiều DN đến xây dựng nhà máy, công xưởng. Các ngành nghề hết sức đa dạng: May mặc, chế biến gỗ công nghiệp, chế biến nông sản, chế biến khoáng sản, sản xuất phân bón, chế biến chè, sản xuất gạch tuynel… góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định.
Năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho 22.000 lao động. Để đạt kế hoạch, địa phương đã đề ra hàng loạt các giải pháp trọng tâm. Theo kế hoạch Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút đầu tư trên địa bàn, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động theo hợp đồng...
Vào cuộc ngay từ đầu năm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nhiều hoạt động để kết nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Như, chủ trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố nhằm cung cấp thông tin về thị trường lao động, học nghề và tạo cơ hội cho người lao động được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Tuyên Quang còn đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động qua trang thông tin vieclamtuyenquang.net hoặc fanpage của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh phía Bắc…
Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị, để công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, các ngành, các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu của người lao động, tăng cường công tác tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho lao động, học sinh trung học trên địa bàn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho hay, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động; đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các giải pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang thường xuyên phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh thực chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động. Nhằm thực hiện tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đã bố trí 13 cán bộ và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp. Hằng năm, Trung tâm cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Cục việc làm, Trung tâm Quốc gia Dịch vụ việc làm và tại Trung tâm tổ chức. Bên cạnh đó, hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tháng, quý, năm và đột xuất để nâng cao hiệu quả giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức khác nhau như: qua Website của Trung tâm, phát tờ gấp, tờ rơi. Để hoàn thành nhiệm vụ trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang đề nghị Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản thủ tục hành chính; hoàn thiện dữ liệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Cục Việc Làm sớm tham mưu cho Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 61/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020. Xây dựng hoàn thiện bộ phận một cửa chung cho hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm. Thực hiện tuyển dụng viên chức theo vị trí việc làm đang thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp…