Hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại UAE đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu (XK) hàng hóa sang UAE, đặc biệt là nhóm hàng nông sản và vật liệu xây dựng. Hai nhóm hàng này xuất phát từ thị hiếu, nhu cầu của UAE và được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực bởi đây là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó, tại các buổi làm việc và tiếp xúc giữa doanh nghiệp XK uy tín của Việt Nam với các nhà nhập khẩu lớn của UAE, nhiều nhà nhập khẩu cho rằng, nhu cầu hàng hóa Việt Nam tại Trung Đông nói chung, thị trường UAE nói riêng, tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nông, thủy sản và hàng tiêu dùng..
Đối với hàng nông sản, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, UAE phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), năm 2014, UAE đã nhập khẩu lượng rau, củ, quả trị giá gần 3,2 tỷ USD, năm 2015 khoảng 2,6 tỷ USD từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi. Trong khi đó, số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam XK sang UAE còn quá khiêm tốn: Năm 2014 đạt 14,2 triệu USD; năm 2015 đạt 16,2 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2016, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã tiếp cận được thị trường UAE như chuối, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn, quả vải, măng cụt…, được người tiêu dùng UAE ưa chuộng.
Nhu cầu của UAE về vật liệu xây dựng cũng rất lớn. Những năm gần đây, các dự án xây dựng của UAE ngày càng nhiều, tổng mức đầu tư cao, lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Hạng mục được đầu tư lớn là các dự án hạ tầng, bất động sản, du lịch và giải trí, tập trung tại hai Tiểu vương quốc Abu Dhabi và Dubai. Đáng chú ý, Dubai đã giành quyền đăng cai Triển lãm quốc tế World Expo 2020 với mức đầu tư hạ tầng là 7 tỷ USD, góp phần làm tăng nhu cầu vật liệu xây dựng.
Trước cơ hội đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh XK một số mặt hàng vật liệu xây dựng sang UAE, nhất là thép.
Việt Nam và UAE thực hiện nhiều dự án đầu tư tại mỗi quốc gia. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), UAE có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, bất động sản chiếm phần lớn như: Dự án của Công ty TNHH phát triển bất động sản Eta Sta với tổng vốn đầu tư 112 triệu USD; dự án của Công ty TNHH gia công thép Essar Vietnam với vốn đầu tư là 16 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Naboodah quốc tế Việt Nam, vốn đầu tư 6 triệu USD… Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang UAE với tổng vốn đầu tư 3,05 triệu USD. Nhìn chung, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và UAE mới chỉ ở mức tạo đà.
Nhìn chung, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện kinh tế- xã hội, cơ sở hạ tầng hiện đại, vị trí địa lý đắc địa- trung tâm thương mại và tái xuất lớn nhất khu vực, hệ thống ngân hàng hoàn chỉnh, hàng hóa XK vào UAE không bị ràng buộc bởi hạn ngạch, ít gặp những rào cản đặc biệt về chính sách nhập khẩu, thủ tục hải quan… Tuy nhiên, XK hàng hóa sang UAE vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh về giá của hàng Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Pakistan…
Để đẩy mạnh XK, tận dụng cơ hội tại thị trường UAE, doanh nghiệp cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa; triển khai khu trưng bày hàng thực phẩm, nông sản, trái cây của Việt Nam vào các hệ thống siêu thị tại UAE như: Al Maya, Union Corps, Choithrams, Lulu, Carefour…
UAE hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và là thị trường XK lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới. UAE là nhà đầu tư lớn từ khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD. Hiện có hơn 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại UAE... |