Theo bác sỹ Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, kỹ thuật NAT (Nucleic acid test - NAT) hiện là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất. Kỹ thuật này được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động sàng lọc virus viêm gan B, C và HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus. Kỹ thuật này là một bước đột phá, mở ra một kỷ nguyên mới về xét nghiệm sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu.
Kỹ thuật NAT lần đầu tiên được áp dụng xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan C vào năm 1999. Năm 2002, cơ quan FDA Hoa Kỳ đã công nhận kỹ thuật NAT xét nghiệm virus viêm gan B, C và HIV. Tại Việt Nam, năm 2007, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thử nghiệm kỹ thuật sinh học phân tử trong xét nghiệm đơn vị máu nhằm nghiên cứu tính khả thi và lợi ích của xét nghiệm này. Kết quả nghiên cứu cho thấy, kỹ thuật xét nghiệm NAT rút ngắn thời gian cửa sổ của phát hiện virus lây nhiễm và cho kết quả có độ nhạy cao. Do vậy, từ cuối năm 2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu tiên của cả nước đã triển khai thành công kỹ thuật NAT trong xét nghiệm sàng lọc máu.
Bác sỹ Phạm Tuấn Dương lấy ví dụ điển hình: Xét nghiện NAT có thể phát hiện virus HIV rút ngắn 10 ngày, với viêm gan B sớm hơn 25 ngày và viêm gan C sớm hơn 60 ngày so với kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học.
Năm 2016, cả nước dự kiến tiếp nhận khoảng 1,3 triệu đơn vị máu và đạt 1,8 triệu đơn vị vào năm 2020. Do vậy, việc đảm bảo an toàn truyền máu luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó xét nghiệm sàng lọc máu, bảo đảm an toàn truyền máu là một trong những yếu tố quan trọng nhất.