Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Trung Thuận - Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường)- đánh giá: Hiện Luật Bảo vệ môi trường đã có hệ thống quy định về phòng ngừa và đánh giá rủi ro. Tuy nhiên hệ thống này chưa được cụ thể, chưa có hướng dẫn cho nên khi xảy ra sự cố thì hầu như không thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Việc xác định, phân loại, cảnh báo sự cố môi trường hiện chưa được quan tâm.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Công Đại- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Giang- chia sẻ: Năm 2011, Tại Bắc Giang đã từng xảy ra sự cố tràn dầu. Khi đó người dân vớt được rất nhiều dầu từ giếng nước ăn ở các hộ gia đình. Thế nhưng, chính quyền địa phương không có ý kiến vì nghĩ đó là chuyện của DN. DN liên quan cũng không có trách nhiệm và không có một động thái nào để xử lý. Ông Đại kiến nghị, trong Luật Bảo vệ môi trường nên có điều khoản phải quy trách nhiệm cụ thể cho chính quyền, để khi xảy ra sự cố thì có một đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm.
Tiến sĩ Chử Văn Nguyên - Phó Chủ tịch Hội đồng Trách nhiệm xã hội của các DN Hóa chất Việt Nam (VRCC)- cho rằng, việc phối hợp lực lượng trong hoạt động ngăn ngừa, ứng phó sự cố môi trường liên quan đến hóa chất là rất cần thiết. Từ khâu lập kế hoạch, diễn tập ứng phó sự cố môi trường, đến ứng phó khi có sự cố thật xảy ra và khâu sau cùng là xử lý môi trường sau sự cố đều cần sự phối hợp kịp thời, đồng bộ của chính quyền là UBND các cấp. Tiếp đến là các bộ, ngành như lực lượng y tế, công an, công an phòng cháy chữa cháy, lực lượng vũ trang của địa phương và chủ lực, các lực lượng chuyên nghiệp khác…
Công tác xây dựng một kế hoạch phòng ngừa sự cố hóa chất đã và đang được chú ý hơn tại các đơn vị sản xuất và kinh doanh hóa chất. Ông Phạm Văn Chất - Phó Tổng giám đốc BSR- cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có hàng nghìn loại hóa phẩm xúc tác - đây là những nguy cơ dẫn đến rủi ro, mất an toàn. Sau nhiều năm vận hành, sản xuất, nhà máy vẫn được đánh giá là nơi có môi trường trong sạch, hóa phẩm được lưu kho gọn gàng, khoa học.
Việc xây dựng một kế hoạch ngăn ngừa và ứng phó sự cố là rất cấp thiết, đồng thời cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, bộ, ban, ngành các cấp và cả DN, người dân… mới có thể thực hiện được. |