Tại Hội nghị trực tuyến từ Công an TP. Hà Nội đến điểm cầu các đơn vị, địa phương triển khai phương án ứng phó với tình hình mưa bão vào chiều 6/9, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai cùng phương án cứu nạn, cứu hộ, kịp thời ứng phó với bão số 3 (siêu bão Yagi).
Trong đó, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đề nghị các lực lượng, đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn thông báo, hướng dẫn, cảnh báo đến người dân tránh trú tại các nơi an toàn và hạn chế ra khỏi nơi tránh trú, thực hiện các biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão, lũ gây ra, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em và các đối tượng yếu thế.
Tiếp tục rà soát các khu dân cư, khu vực có nguy cơ mất an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các địa bàn, khu vực xung yếu, ven sông, hồ, địa bàn trũng, thấp, nguy cơ sạt lở cao để kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp như di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, ổn định an sinh xã hội cho người dân, gia cố chân đê, kè xung yếu…
Cây gãy đổ vào xe khách ở trên đường Nguyễn Khuyễn (Hà Đông, Hà Nội) chiều 6/9. Ảnh: CTV |
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tổ chức ứng trực, thường trực 100% quân số triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và ứng phó cơn siêu bão Yagi theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để các đối tượng lợi dụng sự cố, thiên tai để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong các tình huống mưa, bão, lũ, nhất là tại các tuyến giao thông chính, trọng điểm, tập trung đông phương tiện lưu thông, các tuyến đường, tuyến phố bị ngập úng, nước chảy xiết.
Đặc biệt, có thể tổ chức cấm đường trong trường hợp cần thiết, thông báo cảnh báo đến các tàu thuyền và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên sông nước. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra.
Rà soát trang thiết bị có thể huy động phục vụ công tác phòng, chống bão lũ hiện có, sẵn sàng sản xuất, cấp khi có yêu cầu. Tổ chức sửa chữa ngay các phương tiện, trang thiết bị hỏng hóc, không thể sử dụng, không để tình trạng khi bão lũ xảy ra không có trang thiết bị để sử dụng.
Sẵn sàng đội ngũ y, bác sĩ, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc, y tế phục vụ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các trụ sở các đơn vị.