Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trong suốt mấy chục năm qua, nhiều người con của đất nước, trong đó, có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã gạt lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường để lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Nhiều người để lại một phần xương máu nơi chiến trường và rất nhiều người không bao giờ trở về.
Vì vậy, sự tri ân, tưởng nhớ đã thể hiện tấm lòng, tình cảm chân thành, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Thông qua các hoạt động đó, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quốc.
Đối với ngành Công Thương, dù chưa có thống kê cụ thể về những thương, bệnh binh, liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến, nhưng có thể chắc chắn rằng, hàng vạn cán bộ, công nhân, người lao động công tác tại cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... đã từng “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, thậm chí, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong số đó, không ít người đã anh dũng hy sinh như những công nhân Nhà máy Điện Thượng Lý (Hải Phòng), Nhà máy Điện Thanh Hóa… hay tấm gương của Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Phạm Văn Đạt đã anh dũng hy sinh trong lúc chỉ huy đơn vị tiếp nhận, vận tải, cung cấp xăng dầu cho sản xuất, chiến đấu ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và trực tiếp chống trả máy bay Mỹ ném bom khu phố Khâm Thiên.
Ngành Công Thương hôm nay luôn hướng về nguồn cội. Lãnh đạo Bộ Công Thương, Công đoàn, các Sở, ngành điện, xăng dầu, dầu khí... đều có hoạt động thăm viếng nghĩa trang, dâng hương tưởng nhớ người đã khuất; thăm hỏi, trao quà động viên mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng… Mỗi nghĩa cử của thế hệ hôm nay chính là để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc; đồng thời là lời hứa cùng gắng sức để đất nước phát triển giàu mạnh, xứng đáng với hy sinh của bao lớp người đi trước.