CôngThương - Trong 2 tháng đầu năm, ngành Công Thương Hà Nội vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,8%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt trên 283 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 1,668 tỷ USD.
Theo nhận xét của lãnh đạo các cục, vụ của Bộ Công Thương, tuy ngành Công Thương Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhưng hai chỉ số quan trọng là sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội lại thấp hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội -cho biết: Do giá trị tuyệt đối sản xuất công nghiệp của Hà Nội vốn đã cao, nên tỷ lệ tăng trưởng sẽ khó cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất công nghiệp lớn của Hà Nội hầu hết đã được di chuyển ra các tỉnh. Mặt khác, việc thu hút FDI vào sản xuất công nghiệp của Hà Nội cũng gặp khó do giá đất cũng như các chi phí của Hà Nội quá cao.
Năm 2014, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng trên 8%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng 20%, kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7% so với năm 2013. |
Ông Thăng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Hà Nội trong việc xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, có quy mô 640ha, định hướng mở rộng 2.000ha tại cửa ngõ phía Nam. Đây là khu công nghiệp-đô thị chuyên sâu về công nghệ hỗ trợ quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam, và được coi là “quả đấm thép” để công nghiệp, xuất khẩu của Hà Nội tăng trưởng cao trong những năm tới.
Lãnh đạo các vụ của Bộ Công Thương cũng đã góp ý về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Theo bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hà Nội cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tập trung vào sản phẩm công nghệ cao như điện- điện tử, phù hợp với định hướng phát triển công nghệ cao của thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, Hà Nội cần xác định đúng hướng phát triển ngành công nghiệp, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề để phát triển, như tỉnh Vĩnh Phúc xác định chỉ phát triển công nghệ cao. Thứ trưởng nhấn mạnh, Sở Công Thương Hà Nội cần lựa chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực ưu tiên đầu tư để mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, Hà Nội cần phát triển rộng Chương trình làng nghề kết hợp với du lịch. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, cần quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề, bảo đảm tính chân thực, đồng thời truyền thông cho bà con và khách du lịch yên tâm khi đến với các làng nghề truyền thống.
Thứ trưởng đánh giá cao công tác xúc tiến thương mại của Hà Nội, đặc biệt là việc mời trên 400 nhà nhập khẩu nước ngoài đến Hà Nội dự hội chợ triển lãm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu. Ghi nhận sự nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2013 đã xây dựng được 30 văn bản quy phạm pháp luật, nhưng Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc thực thi những văn bản đó thế nào.