Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã mang ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo thực thi chính sách của Nhà nước về môi trường cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra đời còn nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phóng viên Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về những kết quả ban đầu sau gần 1 năm Uỷ ban đi vào hoạt động.
Hiện thực hóa mô hình cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2018, ngày 10/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Đây được xem là bước tiến mới trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như vậy, kể từ ngày 1/4/2023, khi Nghị định số 03 có hiệu lực, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chính thức đi vào hoạt động được 8 tháng. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật mà Ủy ban đã đạt được trong thời gian qua?
Triển khai Luật Cạnh tranh 2018 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương trong thời gian qua. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10/2/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Việc thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là yếu tố quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc “cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch” và “hoàn hiện đồng bộ thể chế phát triển nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế”. Sự ra đời của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng là điều kiện để triển khai đầy đủ, toàn diện Luật Cạnh tranh 2018.
Lãnh đạo Bộ Công Thương trao quyết định cho thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia |
Ngay khi được thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai hàng loạt hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, góp phần thực hiện các mục tiêu quản lý nhà nước, một số kết quả đạt được cụ thể:
Triển khai, xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao: Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 với tỷ lệ 93,72% đại biểu tán thành. Đây là khuôn khổ pháp luật quan trọng, tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, bao gồm: Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Thông tư số 12/2023/TT-BCT ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2018/TT-BCT ngày 24/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để trình Chính phủ trong nửa đầu năm 2024…
Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia |
Công tác giám sát cạnh tranh đã được tiến hành trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, bưu chính, sữa trẻ em và sản phẩm dinh dưỡng công thức, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, hóa chất, sàn thương mại điện tử,..., từ đó kịp thời phát hiện, xác minh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tăng cường hoạt động rà soát các giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường, cập nhật, thống kê và tổng hợp dữ liệu về tình hình tập trung kinh tế của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; tổ chức triển khai thẩm định trên 150 hồ sơ thông báo Tập trung kinh tế trong nhiều ngành/lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nhiều giao dịch thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam, nhiều giao dịch doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam...
Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã xem xét 8 hồ sơ vụ việc cạnh tranh và xác minh, đánh giá 29 vụ việc tiền tố dụng có dấu hiệu hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Trong đó, chủ động phát hiện và xác minh 11 vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và 18 phản ánh về vụ việc có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp tục xác minh, làm rõ thông tin các vụ việc nêu trên theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch và thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được triển khai một cách đồng bộ, chặt chẽ, góp phần ngăn chặn, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trong lĩnh vực bán hàng đa cấp; Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã chuyển thông tin về 5 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời; phối hợp trả lời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp.
Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, cảnh báo các mô hình kinh doanh đa cấp bất chính nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia cũng như nâng cao nhận thức của người dân: Một số sàn thương mại điện tử, các ứng dụng đầu tư trực tuyến...
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp được triển khai tích cực, hiệu quả, đã hoàn thành kiểm tra đối với 6 doanh nghiệp bán hàng đa cấp và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp và 1 người tham gia vi phạm với số tiền phạt 1 tỷ 150 triệu đồng.
Đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ đạo triển khai có hiệu quả các Đề án Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; Đề án Phát triển Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương giai đoạn 2021-2025; Đề án Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021-2025; đề án phát triển hệ sinh thái số, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Thực hiện tốt công tác công tác thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chungvới khoảng trên 150 hồ sơ; hoàn thiện quy trình, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng trên hệ thống tổng đài tư vấn miễn phí và các phương thức khác.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thực hiện giám sát 9 Chương trình thu hồi sản phẩm có khuyết tật thuộc các lĩnh vực phương tiện đi lại (ô tô), phao bơi cho trẻ, sách và lốp xe ô tô... đã kịp thời đăng tải các thông tin cảnh báo về việc tiêu dùng sản phẩm có nguy cơ không đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng đồng thời đưa ra một số khuyến cáo đối với việc lựa chọn và mua sắm hàng hóa, dịch vụ nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi thực hiện giao dịch mua hàng.
Cùng với đó, đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với 5 doanh nghiệp, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 600 triệu đồng.
Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 |
Trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương năm 2023, có sự kiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Xin ông chia sẻ cụ thể về quá trình sửa đổi Luật này, và ý nghĩa của việc Luật được Quốc hội thông qua, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban mới được thành lập?
Trong số 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Công Thương năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vinh dự khi được Lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Công Thương ghi nhận 2 hoạt động có liên quan đến Ủy ban. Để đạt được kết quả này, rõ ràng không chỉ có sự nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của tập thể Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mà còn có sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp hiệu quả, chủ động từ các đơn vị của Bộ Công Thương. Chính nhờ sự thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động nêu trên, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã có nhiều giải pháp sáng tạo, chủ động để khắc phục và đạt được kết quả xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Đối với dự án xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, đây là dự án quan trọng, bảo đảm quyền lợi cơ bản cũng như sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dung; đồng thời có phạm vi tác động liên quan đến phần lớn các lĩnh vực trong nền kinh tế, nhiều nội dung quy định tại Luật có tính mới, đột phá trong hệ thống pháp luật như: Cấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tòa hoặc việc sử dụng tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.
Việc thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 để thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không chỉ thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là giải pháp căn cơ, toàn diện để kịp thời nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Đối với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, là một đơn vị mới được kiện toàn, thành lập và tiếp tục được Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi nhận thức được rằng đây là trách nhiệm và cơ hội để Ủy ban tiếp tục phát huy những điểm mạnh, quyết tâm thực thi hiệu quả và nhanh chóng các quy định của Luật, góp phần vào thành công chung của ngành Công Thương đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.
Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; đồng thời có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật,… Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong năm 2024, thưa ông?
Trong bối cảnh, nền kinh tế thị trường tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, diện mạo của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, song song với đó, cạnh tranh cũng trở nên gắt gao hơn, nhất là khi có sự tham gia của nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới, dẫn đến các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện ngày càng nhiều, gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với nhiều mô hình kinh doanh mới đã xuất hiện, như các mô hình kinh tế chia sẻ,... Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề thách thức cho hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Để thực hiện tốt công tác tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc tổ chức thực thi chính sách cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức, triển khai thực hiện như sau:
Một là, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương trong việc tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các thành phần kinh tế và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh;
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế cho công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể là báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người giám định, người phiên dịch, người làm chứng theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Ba là, tăng cường năng lực thực thi để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm; tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế;
Bốn là, tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2024, đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc.
Cuối cùng, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực thi luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thông qua các hình thức tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu hoặc các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên đối với các tổ chức quốc tế về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng mà Ủy ban là thành viên; ký kết và triển khai MOU hợp tác về cạnh tranh và người tiêu dùng với cơ quan đối tác tiềm năng; Đàm phán và thực hiện các cam kết về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng và các nội dung có liên quan tại các FTAs song phương/đa phương…
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, cùng với những định hướng công tác của năm 2024, ông chia sẻ những thông điệp của đơn vị đối với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong năm mới 2024?
Với sự quan tâm của Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp hiệu quả của các đơn vị trong và ngoài Bộ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tin tưởng vững chắc rằng hoạt động quản lý Nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đã cấp sẽ đạt được kết quả tích cực, đóng góp vào thành tích chung của ngành Công Thương.
Phát huy thành tích đã đạt được trong công tác tham mưu, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; thực hiện tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật, trên cơ sở định hướng công tác năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh với cơ hội kinh doanh bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp trên thị trường; khuyến khích và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, qua đó đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, sự phát triển khoa học công nghệ và tiến bộ xã hội.
Cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng hành, chia sẻ thông điệp chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Đây cũng là thông điệp chung cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm kêu gọi các chủ thể cùng chung tay thực hiện cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng, nâng cao nhận thức, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng trong quá trình tiêu dùng cũng như tạo căn cứ để người tiêu dùng thực hiện vai trò giám sát thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể, từ đó, góp phần tạo dựng một môi trường tiêu dùng an toàn cho tất cả các bên tham gia.
Hoạt động bán hàng đa cấp cơ bản đã được quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, các hình thức biến tướng thu lợi bất chính dựa trên mô hình đa cấp vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho người dân. Người dân vẫn cần tiếp tục đề cao tinh thần cảnh giác trước các biểu hiện của đa cấp không phép, đa cấp biến tướng.
Xin cảm ơn ông!