"Vài cảm nghĩ về nước Mỹ"- bài báo viết trên máy bay của cố Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan
Lời tòa soạn: Trên chuyến bay trở về đất nước sau khi ký thành công Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cố Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đã viết bài báo “Vài cảm nghĩ về nước Mỹ” với bút danh Hồ Vũ.
Vài cảm nghĩ… nhưng là một bài viết dài gần 2.000 chữ thậm hay về nước Mỹ mà Báo Thương mại đã đăng ngay sau đó. Hơn 20 năm đã trôi qua, giờ đọc lại người ta vẫn thấy bài viết còn nguyên tính thời sự với những ai quan tâm và tìm hiểu về nước Mỹ, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa muốn chen chân vào thị trường Hợp chủng quốc Hoa kỳ… Vuasanca xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết này.
Bài báo "Vài cảm nghĩ về nước Mỹ" đăng tải trên Báo Thương mại số ra ngày 21/7/2000 |
Đi vài ngày trên một đất nước mênh mông như nước Mỹ thì khó hiểu sâu được về nó. Nhưng qua mấy ngày hoạt động, đi lại liên tục có thể thu lượm được vài ba sự cảm nhận.
Cảm nghĩ ban đầu là nước này to thật. Đi từ Đông sang Tây hoặc từ Bắc xuống Nam bằng máy bay hiện đại cũng phải mất 6 - 7 tiếng đồng hồ, đi bằng xe hơi hay tàu hỏa thì thấy hai bên đường đất đai, ruộng đồng, rừng rú mênh mông ngút ngàn. Do quy mô đất nước như vậy và do họ giàu có nên cái gì họ cũng xây to, xây cao. Những ngôi nhà chọc trời mọc ở khắp nơi; tại ga sân bay Nữu Ước, mỗi hãng có một nhà ga riêng mà mỗi cái to như một nhà ga sân bay cỡ lớn ở nước khác; rất nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại to như một thị trấn, đi cả ngày không hết. Cũng do đất rộng nên nói chung nhà cửa đều có khuôn viên, vườn tược xung quanh, tạo cảm giác thoáng đãng, thư thái.
Nước này quả là xanh, sạch, đẹp. Họ đi khai thác rừng ở tận đẩu tận đâu của thiên hạ chứ rừng riêng của họ thì họ giữ kỹ lắm. Ngay giữa thủ đô Oa-sing-tơn mà có những cánh rừng nguyên thủy xanh ngắt hàng nghìn héc ta. Vườn thú cũng rộng tới mức phải đi vài ba ngày may ra mới hết. Riêng thủ đô Oa-sing-tơn được sắp xếp rất ngăn nắp, phố xá sạch sẽ, một số vỉa hè cũng có những quầy bán hàng song đều gọn gàng, vả lại hè phố rộng rãi, người đi bộ lại ít nên người ta đều trồng hoa rực rỡ. Nói vậy thôi chứ các khu phố của người da màu thì cũng chật chội lắm và rác rưởi thì ở đây không hiếm.
Bộ trưởng Vũ Khoan trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thương mại |
Đó là cảm nghĩ sơ lược về đất nước Mỹ. Còn về con người thì đúng là “Hợp chủng quốc”. Ở Mỹ có thể gặp đủ giống người trên thế gian: da trắng, da đen, da nâu, da đỏ, da vàng. Ta có thể thấy ở đó những người Do Thái mặc áo choàng đen, đội mũ “phớt” rộng vành cũng màu đen, râu tóc để dài tới vai. Ta có thể thấy ở đây những người đàn ông Ả rập mặc áo choàng trắng, còn phụ nữ thì chùm kín từ đầu tới chân đi bên cạnh những cô thiếu nữa da trắng “rất tiết kiệm vải”. Người Mỹ có thiên hướng ăn mặc rất lạ kiểu ngộ nghĩnh. Ở nước nào thì hoa tai cũng đeo ở tai, còn ở Mỹ thì người ta, cả đàn ông lẫn đàn bà, đeo hoa tai ở cánh mũi, đuôi mắt và cả ở… rốn! Họ đặc biệt phóng khoáng, ngày nghỉ có khi đi cả ngày không gặp một người nào, dù già hay trẻ, mặc comlê, đeo cravát, phần lớn mặc áo phông quần “din” hay quần “soóc”, đi dép hay giày thể thao.
Người Mỹ khá cởi mở, dễ bắt chuyện, được hỏi đường thì họ chỉ rất chu đáo, tỷ mỉ. Họ khá cần cù, nghiệp vụ, tay nghề cao, làm việc gì cũng lụi hụi tới nơi tới chốn. Tôi để ý mấy người làm vườn, trồng hoa thì thấy họ chăm sóc, tỉa tót cây cỏ, hoa lá rất tỉ mẩn, kỹ càng. Tuy họ luôn nói tới sự bình đẳng nhưng hầu như mọi việc đơn giản, nặng nhọc như gác cửa, dọn rác, khuân vác… đều do người da màu gánh vác, hầu như không thấy người da trắng làm những việc này.
Họ rất thích thú đi ngao du. Ở Mỹ tôi cứ có cảm giác cả nước này luôn chuyển động trên ô tô, máy bay. Trên các đường cao tốc rộng thênh thang, với hàng chục làn xe lúc nào cũng chật cứng xe cộ. Còn sân bay, nhà ga thì lúc nào cũng huyên náo, giữa các thành phố có các chuyến bay “con thoi”, nghĩa là cứ 15 - 20 phút lại có một chuyến, hành khách cứ việc ra lấy vé rồi lên máy bay như đi xe ô tô buýt vậy.
Về ăn thì có thể tóm tắt trong 3 chữ: nhiều, nhanh, dở. Xem người Mỹ ăn thì phát sợ: ăn khoai tây rán thì một xô con; ăn thịt thì một miếng to đùng bằng cả cái đĩa; ăn kem thì một cốc vại. Tuy cái gì cũng đề “fat free”, tức là không mỡ nhưng xem họ đổ nước sốt lên thức ăn thì đã đủ thấy ngây ngấy rồi. Họ thích ăn nhanh chứ không nhâm nhi, lai rai (đương nhiên trừ những bữa tiệc). Có lẽ vì ăn quá nhiều nên bệnh phì phát triển. Khắp nơi đều gặp các cháu trai, cháu gái ục ịch như kiểu “em chã”, rất nhiều vị thuộc phái đẹp to nặng tới mức không hình dung nổi. Tôi từng ở Nga nhiều đã tưởng phụ nữ Nga to béo quá khổ, song khi sang Mỹ mới thấy chưa thấm tháp gì.
Có lẽ một phần vì vậy mà người Mỹ rất ưa thể thao. Không chỉ buổi sáng và buổi chiều, ngay giữa ban trưa trên các đường phố, nhất là ở trong công viên có rất nhiều người già trẻ, lớn bé tai đeo ống nghe nhạc, chân chạy dẻo dai để xua bớt mỡ.
Xã hội Mỹ quả thật là một xã hội công nghiệp hóa rất cao. Cái gì cũng theo phương pháp công nghiệp, cái gì cũng tự động, cái gì cũng điện tử hóa, công nghiệp ăn được tổ chức thành dây chuyền khổng lồ phục vụ ồ ạt nên văn hóa ẩm thực mất dần. Các loại hình giải trí nay trở thành một ngành công nghiệp ghê gớm, cửa hàng bán duy nhất một loại dụng cụ thể thao là golf đã rộng hơn chợ Đồng Xuân của ta. Thu nhập từ ngành này đứng hàng thứ hai, chỉ sau công nghiệp ô tô.
Mỗi lần tôi đi thăm thành phố Ocean City cách Oa-sinh-tơn khoảng 300km, trước khi đi mở Internet hỏi đường thì lập tức được hướng dẫn rất kỹ lưỡng từ nhà mình ở cho tới tận khách sạn định đến, từng đoạn tỉ mỉ: rẽ trái hay rẽ phải, tốc độ nên đi là bao nhiêu, thậm chí nói rõ cả thời tiết, tình trạng xe cộ; có tắc đường hay không. Đó là việc đơn giản nhưng cũng được điện tử hóa đến mức như vậy, nói gì tới các hoạt động khác của con người. Nói vậy để thấy rằng muốn làm ăn với Mỹ thì phải tiếp cận công nghệ hiện đại, nếu không thì sẽ rất khó.
Có lẽ họ đã đạt trình độ phát triển cao nên tôi có cảm giác nước Mỹ hầu như không sản xuất những sản phẩm bình thường nữa; từ tivi, tủ lạnh, đồ gia dụng, quần áo, giày dép đều nhập từ các nước khác, còn bản thân nước Mỹ thì tập trung vào những ngành công nghệ cao. Chính vì vậy mà đi vào các cửa hàng chỉ rặt hàng Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Trung cận Đông… cứ như thế Mỹ chỉ ăn chơi và cả thế gian đổ cả về đây cung cấp cho họ.
Ở Mỹ có thể tìm thấy mọi thứ, kể cả những sản phẩm rất đặc thù của Việt Nam như rau muống, rau lang, rau bí, măng rừng, nước mắm, mắm tôm, thậm chí cả canh riêu cua đóng hộp. Tiếc rằng, hàng Việt Nam còn quá ít, đi mãi mới thấy cái đế thắp nến ghi hàng chữ “Made in Vietnam”; đến nước mắm, mắm tôm cũng sản xuất ở Thái Lan tuy đề nhãn hiệu “Phú Quốc”.
Ông Vũ Khoan và bà C. Barshefky - Đại diện Thương mại Hoa kỳ |
Còn công việc buôn bán thì có rất nhiều điều lạ lẫm, chưa hề thấy ở nước nào cả mặc dầu do công việc tôi đã từng đi thăm rất nhiều nước. Ai đời một trung tâm thương mại gần Oa-sinh-tơn gọi là Pa-tô-mác Min lại rộng mênh mông như một thị trấn, giả sử muốn đi hết các gian hàng thì có lẽ phải mất vài ba ngày. Còn trung tâm Pô-xcô gần thành phố hơn thì cũng lớn bằng mấy cái kho ở cảng và ở đó mọi thứ đều bán với số lượng lớn như kiểu bán buôn ở bên ta.
Người ta tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người mua hàng. Ví dụ con nhỏ có thể tạm gửi ở khu vui chơi, có người coi sóc chu đáo về để bố rộng cẳng đi mua hàng. Hàng mua rồi trong vòng một tháng vẫn có thể đổi hoặc thậm chí trả lại nếu không vừa ý. Khắp nơi quảng cáo hàng hạ giá 20, 30, 50, thậm chí 70%. Ở đâu cũng gạ gẫm “mua 2 được 3”, “mua 4 được 6”…
Bên cạnh đó là chế độ “thẻ tín dụng”, theo đó thì bất kỳ người nào mở tài khoản ở ngân hàng với một số tiền đặt cọc nhất định, không cần nhiều lắm thì cũng đều có thể dùng thẻ tín dụng mua thoải mái, ngân hàng sẽ thanh toán trước cho họ. Có thể nói nước Mỹ làm ra và tiêu rất lắm tiền nhưng hầu như lại không thấy tiền vì mọi thứ đều thanh toán bằng thẻ. Ba nhân tố: Thu nhập cao, mua bán thuận lợi và hệ thống ngân hàng phát triển đã tạo nên thói quen tiêu dùng ồ ạt của người Mỹ. Người ta đi “mậu dịch” là mua đầy cả xe ô tô, trông ngộn cả người chứ không mua lặt vặt vài ba thứ cần thiết như ta thường thấy.
Tôi sang Mỹ vào dịp hai nước ký Hiệp định thương mại nên mới nảy sinh vài ba suy nghĩ qua những sự cảm nhận nói trên. Thứ nhất là, thị trường Mỹ thật rộng lớn, sức mua thật kinh khủng (theo con số chính thức thì mỗi năm nhập khẩu trên 1.000 tỉ USD). Thứ hai là, nhu cầu của họ rất đa dạng do có đủ giống người, giai tầng xã hội, hoạt động của họ rất phong phú, vào các trung tâm thương mại có thể thấy thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có để phục vụ cho nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, vui chơi. Thứ ba là, thiên hạ từ năm châu bốn biển đã đổ xô vào đây tiêu thụ hàng hóa, ta vào sau sẽ phải chen lấn rất vất vả. Bí quyết cơ bản là nắm bắt cho được nhu cầu của họ, kể cả mẫu mã hợp “gu” người Mỹ, các luật lệ là thứ ở Mỹ rất tôn trọng và khá rắc rối, trên cơ sở đó sản xuất hàng tốt, rẻ, giao nhận đúng cam kết, giữ cho được chữ “tín”. Nếu được vậy thì ta hoàn toàn có thể len vào đây, xác định được chỗ đứng, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở nước ta.