Vải Thanh Hà: Giảm lệ thuộc thị trường TQ
Thâm nhập mua bán vải Thanh Hà
- Với diện tích 250 ha trồng vải, ước tính sản lượng vải của riêng xã Thanh Xá (huyện Thanh Hà, Hải Dương) đạt khoảng 1.900 tấn, tăng hơn 100 tấn so với năm trước. Nhưng niềm vui vải được mùa và sớm được giá chưa qua, thì những hộ trồng vải nơi đây lại đang phải đối mặt với nỗi lo: Giá vải bấp bênh, hạ từng ngày!
Sáng ngày 10/6, phóng viên Báo Công Thương có mặt tại trung tâm xã, được biết, một số bà con nghe tin vải xuất khẩu tại các cửa khẩu đã chững lại, nên một số người bẻ vải bán chạy. Giá vải có lúc đã bị ép xuống còn 4.000- 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay trong chiều, xác định đây chỉ là tin đồn thất thiệt, giá vải Thanh Hà đã nhích lên khoảng 10.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, nỗi lo mất giá vẫn ám ảnh người dân trồng vải. Ông Phạm Quốc Trọng- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá- nhận định: Những năm trước, giá mua vải quả ngày càng tăng thì năm nay, giá vải sẽ ngày càng hạ.
Vẻ mặt đầy lo âu, chị Nguyễn Thị Gái (xóm 3, xã Thanh Xá) - cho biết: Vụ vải năm nay, nhà chị thu hoạch được hơn 2 tấn vải sớm, bán với giá trung bình 24.000 đồng/kg, cao điểm còn bán được gần 30.000 đồng/kg. Vải thiều chính vụ bắt đầu rộ, sáng nay, thấy có xe tải vào thu mua với giá 7.000- 8.000 đồng/kg, tiếc của, chị chưa bán. Chờ vậy thôi nhưng cũng lo lắm, bởi bây giờ thương lái đang ép giá, giá vải có thể hạ tiếp!...
Năm 2014, Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà dự kiến chế biến 2 tấn long vải. Long vải khi chế biến xong được bảo quản trong túi ni-lon và đóng hộp 300 gr, bán chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và các hội chợ với giá 40-45 nghìn đồng/hộp. |
Theo UBND huyện Thanh Hà, sản lượng vải thiều của huyện năm nay ước khoảng 15.000 tấn, tăng 2.000 tấn so với năm 2013. Trên toàn huyện có gần 50 điểm thu gom, chủ yếu tập trung ở 5 xã, trong đó có 7 điểm có thương lái Trung Quốc. Vải Thanh Hà chủ yếu xuất được xuất sang Trung Quốc (60%), vào miền Nam, một phần xuất sang Campuchia và Lào. Hàng năm chỉ có khoảng 200 tấn vải thiều đông lạnh xuất sang một số nước nước Đông Âu, Ucraina… do vải thiều khó bảo quản, đi qua đường biển. Tuy nhiên, chủ hàng tại điểm mối Tám Béo - một trong những đầu mối thu mua lớn nhất xã Thanh Xá - cho hay, từ đầu vụ tới nay, vải Thanh Hà chủ yếu chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, sau đó một số ít được xuất sang Campuchia.
Để tìm đầu ra cho quả vải, tháng 6/2014, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại cho quả vải. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cũng được đầu tư bài bản, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái về thu mua vải.
Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Hải Dương) đặt mục tiêu, năm 2014, vải thiều Thanh Hà sẽ được bán tại 200 siêu thị trong cả nước. Trong đó, có 10 siêu thị lớn, sức tiêu thụ từ 2 tạ đến 2 tấn/siêu thị. Quả vải được đưa vào bán tại hệ thống các siêu thị chủ yếu được thu mua tại các gia đình trồng vải theo hướng VietGAP tại các xã Thanh Sơn và Thanh Khê. Khi đưa vào bán ở siêu thị, quả vải được kiểm nghiệm chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo một quy trình nghiêm ngặt. Như vậy, vải Thanh Hà sẽ hạn chế được phần nào sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, để quả vải được tiêu thụ ổn định, tránh bị ép giá khi chín rộ, Thanh Hà đang thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế cho quả vải bằng cách chế biến quả vải thành các sản phẩm như vải sấy khô, long vải, nước ép từ vải…
Thúy Ngọc - Nguyễn Hạnh