Vai trò cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước
- Chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Ty Niên cho biết, Việt Nam hiện có 2.360 sông và 26 phân lưu, hơn 7.000km đê sông và đê biển. Rất nhiều sông đều có đập dâng, hồ chứa thủy lợi, thủy điện… Theo ông Niên, tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của thiên tai và biến đổi khí hậu do khai thác tài nguyên nước cạn kiệt đến mức báo động.
Cụ thể, lưu vực sông Hồng năm 2010, lượng nước mùa khô sử dụng đến 83,5% lưu lượng đến, trong khi đó ngưỡng an toàn là 30%; lưu vực sông Đồng Nai quy định ngưỡng an toàn là 4.000 m3/người/năm thì hiện nay chỉ có bình quân là 2.093 m3/người/năm, thiếu 50%.
Nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa và suy thoái nghiêm trọng do tác động và sức ép của quá trình tăng trưởng kinh tế trong vài thập niên gần đây đã làm ô nhiễm nguồn nước, sạt lở bờ sông, giảm nguồn lợi thủy sản, mất đa dạng sinh học…
Theo các chuyên gia, muốn quản lý tài nguyên nước một cách tốt nhất rất cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Việc quy hoạch, quản lý tài nguyên nước lưu vực sông cần thống nhất ngay từ khâu kiểm kê đánh giá, bổ sung chỉnh lý, đến triển khai thực hiện, kiểm soát ô nhiễm và hợp tác chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên nước được xem như là công cụ thiết yếu để nâng cao hiệu quả tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và xu thế suy thoái tài nguyên nước. Cần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên cơ sở chia sẻ công bằng lợi ích, có sự nhân nhượng, hợp tác và cung cấp thông tin minh bạch.
Bà Shana Udvardy, Giám đốc Chương trình Khôi phục Sông ngòi thuộc Tổ chức Sông ngòi Hoa Kỳ - Chương trình phục hồi các dòng sông ở Mỹ chia sẻ, truyền thông là biện pháp rất hiệu quả đối với công tác ứng phó biến đối khí hậu. Truyền thông ở đây bao gồm, sự chia sẻ thông tin đến người dân, để họ có thể biết được những rủi ro, tác hại của biến đổi khí hậu, từ đó nhận thức và ý thức về các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo bà Shana Udvardy, Việt Nam không phải là quốc gia được đảm bảo về tài nguyên nước. Lý do là hơn 60% lượng nước ở Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác. Nguy cơ hiện nay là, tình trạng thiếu nước đang xảy ra ở nhiều sông suối trong những mùa khô kéo dài. Bà Shana Udvardy khuyến nghị, Việt Nam nên hoạch định dựa trên ranh giới lưu vực sông thay vì dựa trên ranh giới hành chính. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư vào các công trình tưới tiêu tại các vùng thường xuyên bị hạn hán. Sử dụng phí cấp phép như một trong nhiều biện pháp gây quỹ cho các chương trình về tài nguyên nước.
Từ kinh nghiệm bảo vệ con sông, quản lý nguồn nước của quốc tế, các chuyên gia nhận định, Việt Nam phải tạo được phong trào phục hồi các dòng sông được bắt nguồn từ chính những người dân, đến các cấp chính quyền cùng các tổ chức xã hội dân sự mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu thông qua việc phối hợp với các nhà quản lý tài nguyên và cộng đồng địa phương. Đặc biệt, cần coi trọng vai trò của xã hội dân sự trong quản lý tài nguyên nước, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phạm Tiệp