Vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng của EU
Các nhà lãnh đạo Nga, Đức trong lễ khánh thành đường ống dẫn khí. Ảnh: Novosti
- Sau gần 7 năm, kể từ ngày ký hợp đồng xây dựng chính thức, tuyến dẫn khí đốt quốc tế Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) đã chính thức vận hành. Liên minh châu Âu đánh giá cao vai trò của tuyến này không chỉ đối với nền kinh tế của mỗi nước thành viên mà còn đối với vấn đề an ninh năng lượng trong khu vực.
Dự án tuyến vận chuyển khí đốt Nord Stream giữa Nga và Đức qua biển Ban Tích được chính thức khởi công xây dựng vào năm 1997. Tuy nhiên, hợp đồng xây dựng chính thức ký vào năm 2005. Phần góp vốn của các bên tham gia được phân chia như sau:Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga: 51%; 2 công ty của Đức là Wintershall và E.On, mỗi công ty 15,5%; Công ty Gasunie của Hà Lan và GdF Suez của Pháp, mỗi công ty 9%. |
Tham dự sự kiện còn có Thủ tướng Pháp - Francois Fillon và Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte.
Phát biểu tại lễ cắt băng vận hành đường ống, Tổng thống Nga D. Medvedev tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên khí đốt của Nga được cung cấp thẳng cho EU với mục đích không mang màu sắc chính trị, mà thuần túy chỉ là vì kinh tế”. Ông cũng nói thêm rằng: “Nord Stream trước hết phải đáp ứng nhu cầu về khí đốt ngày càng gia tăng của châu Âu và nền kinh tế EU có thể vượt qua tất cả những khó khăn hiện tại”.
Cũng tại buổi lễ, bà Angela Markel – Thủ tướng Đức tuyên bố: “Nord Stream có lợi cho tất cả các bên tham gia dự án” và “Đây là dự án hợp tác chiến lược và là biểu tượng của sự hợp tác có hiệu quả nhất về năng lượng giữa Nga và EU, đảm bảo an ninh năng lượng cho cả châu Âu. Hy vọng rằng, đối tác năng lượng giữa Nga và EU sẽ không ngừng phát triển và tiếp tục gặp hái được những thành công”.
Ông Giunter Ettinger- Chủ tịch Ủy ban Năng lượng châu Âu, trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: “Đối tác chiến lược kinh tế của Nga và EU mang nét đặc trưng bởi sự tăng trưởng ổn định và tiềm năng to lớn. Từ hàng chục năm nay, Liên bang Nga đã và vẫn sẽ là nhà cung cấp quan trọng nhất về than, dầu mỏ, uran cũng nhưnhiều triển vọng về khí đốt”. Ông cho biết, đến năm 2020, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ ở mức 200 tỷ m3 và Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng gia tăng của khu vực.
Công suất vận chuyển của dự án là 55 tỷ m3 khí, vốn đầu tư 8,8 tỷ Euro, nhưng nếu tính cả giá trị đường ống của Nga và Đức có liên quan đến dự án thì số vốn lên đến 17 tỷ Euro. Chiều dài của tuyến ống là 1.224 km, được chia ra làm hai nhánh, mỗi nhánh công suất 27,5 tỷ m3. Đến nay, nhánh thứ 2 đã hoàn thành 70% hạng mục và sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2012.
Lã Văn Châu – Tùy viên thương mại Việt Nam tại LB Nga
(E-mail từ Matxcơva)