Vai trò quan trọng phát triển doanh nghiệp
- Đây là nghiên cứu có ảnh hưởng lớn về năng lực cạnh tranh, công nghệ và cam kết trách nhiệm xã hội dựa trên phân tích chi tiết điều tra công nghệ và cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc công bố báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2012” và nghiên cứu sâu dựa trên số liệu điều tra năm 2012 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Trường Đại học Copenhagen phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) - được tổ chức thông qua một cuộc hội thảo quy mô lớn.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách đều nhận định, mô hình đổi mới mà Việt Nam đang áp dụng dựa trên mức lương thấp (giá thành lao động hấp dẫn) và phân bổ lại lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực hiện đại đã làm tăng phúc lợi cho đại đa số người dân. Tuy nhiên, phân bổ lao động sẽ không thể tiếp tục nâng cao mức sống trong tương lai xa. Thay vào đó, cải tiến kỹ thuật sẽ đóng một vai trò chủ chốt. Một phần quan trọng của giải pháp dài hạn để thúc đẩy sự phát triển hơn nữa là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng, điều chỉnh và cải tiến công nghệ phù hợp. Điều tra công nghệ và cạnh tranh hiện nay đang là công cụ sẵn có duy nhất giúp cho các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng các nhà nghiên cứu có thể nghiên cứu vấn đề này theo thời gian. Cuộc điều tra trên cũng là một trong những công cụ duy nhất hiện có tại Việt Nam để tiến hành nghiên cứu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Việt Nam nên tiếp tục hỗ trợ FDI và đặt ra yêu cầu thực hiện chuyển giao công nghệ một cách chính thức hơn, đồng thời khuyến khích trao đổi công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nên tiếp thu công nghệ đã tồn tại hơn là tập trung vào phát triển công nghệ đắt tiền thông qua các nghiên cứu và phát triển tốn kém. |
Khảo sát chỉ ra rằng, mặc dù phần lớn các chính sách nhấn mạnh vào vai trò của xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể hưởng lợi bằng cách mở rộng phạm vi và quy mô thị trường trong nước. Một số lượng tương đối nhỏ các doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và những doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao công nghệ đều đạt năng suất cao hơn. Ngoài ra, trong khi một nguồn lực lớn được đầu tư vào công tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, chỉ có một số lượng tương đối nhỏ các doanh nghiệp đang đầu tư vào phát triển các sản phẩm hoàn toàn mới và một số lượng doanh nghiệp lớn hơn đang tham gia vào việc cải tiến công nghệ và đổi mới.
Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện những yêu cầu bắt buộc về trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, sự tuân thủ này chủ yếu chỉ thể hiện ở đảm bảo quyền lợi của người lao động bao gồm bảo hiểm xã hội, trong khi đó đầu tư vào việc thực hiện các trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường chỉ giữ ở mức tối thiểu. Báo cáo cũng nhấn mạnh khó khăn trong việc tiêp cận các chương trình của Chính phủ mà các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với việc đầu tư vào công nghệ mới.
Uyên Ly