Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ nữ giới giữ vai trò điều hành doanh nghiệp của Việt Nam hiện cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với mức xấp xỉ 25%, tức là cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ. Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam cũng là 1 trong các nước hiếm trên thế giới duy trì được tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường việc làm trên 70%.
Toàn cảnh hội thảo “Phụ nữ trong doanh nghiệp - Women in Business” |
Tại hội thảo, các diễn giả cho rằng, hiện các cơ hội kinh doanh cho các startup (người khởi nghiệp) là nữ giới đang tốt hơn bao giờ hết, kể cả trong những ngành thiên về nam giới như STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học).
Đánh giá sâu hơn về phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search - cho rằng, ở Việt Nam đang có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đánh giá khá cao tố chất của người phụ nữ Việt Nam như sự bền bỉ, kiên cường trong công việc, sự tinh tế… Do đó, trong tương lai không xa, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội phát triển so với các đồng nghiệp nam của mình.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Tú Phượng - CEO của WebTVAsia Vietnam đồng sáng lập CEO của MeTube Network - cho rằng, hiện tại đang là thời điểm vàng cho phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là trong các ngành STEM. Các ngành này trước nay vẫn có rất ít sự tham gia của phụ nữ, tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, blockchain… thì cơ hội cho nữ giới là rất lớn.
Đồng quan điểm này, bà Thân Thục Quyên - nhà sáng lập và CEO của chuỗi khách sạn Sanouva Việt Nam - chia sẻ: Có rất ít nhà sáng lập nữ được rót vốn khi kêu gọi đầu tư. Chủ các quỹ đầu tư cũng chủ yếu là nam giới và họ cũng không tự tin rót vốn vào các starup là nữ.
Mặc dù vậy, hiện vẫn còn nhiều định kiến về vai trò của lãnh đạo nữ, điều đó khiến cho các startup là nữ gặp khó khăn nhiều rào cản khác như ít cơ hội thăng tiến hơn nam giới, rào cản từ gia đình, từ chính bản thân người phụ nữ... khiến cho việc phát triển kinh doanh của nữ giới vất vả và khó khăn hơn.