Văn phòng đăng ký đất đai Hưng Yên: Từng bước số hóa thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân
Nhằm góp phần xây dựng nền hành chính trên địa bàn tỉnh theo hướng nhanh gọn, hiện đại, lấy công dân làm trung tâm, thời gian qua, Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), từng bước số hóa thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người dân.
Ứng dụng công nghệ số trong thực hiện các thủ tục về cấp GCNQSDĐ tại Văn phòng Đăng ký đất đai |
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận, Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết: Hiện nay, văn phòng có thẩm quyền giải quyết 11 TTHC liên quan đến GCNQSDĐ đã được áp dụng theo mức độ 3 và mức độ 4, theo đó, người dân có thể gửi và nhận hồ sơ trực tuyến. Trong đó, cấp lại giấy chứng nhận hoặc cấp bổ sung trang bị mất; đăng ký và cấp GCNQSDĐ lần đầu, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm…
Chị Nguyễn Thị Trang, người dân ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) chia sẻ: Vừa qua, tôi đi làm thủ tục về đăng ký biến động quyền sử đụng đất của gia đình. Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, các thủ tục được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử, tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán phí, lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính, giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Để có được kết quả này, Văn phòng Đăng ký đất đai cùng các chi nhánh ở các huyện, thị xã, thành phố đã và đang ứng dụng hệ thống quản lý hồ sơ về đất đai có chức năng tích hợp với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Chuyên viên có thể tiếp nhận hồ sơ của công dân dưới dạng số, đồng thời luân chuyển hồ sơ đến các cơ quan có liên quan để phối hợp giải quyết. Mặt khác, văn phòng không ngừng hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tập trung - kết nối - liên thông giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cho phép cán bộ quản lý tra cứu, cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Qua đó, từng bước hình thành được hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục xuống từ 25 đến 50% tổng thời gian.
Đơn cử như việc sử dụng phần mềm Vilis (Vietnam Land Information System) ở Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh, thông qua phương án quét, lưu trữ hồ sơ trong cơ sở dữ liệu địa chính, luân chuyển hồ sơ dạng số khi thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, cấp GCNQSDĐ thuộc thẩm quyền, đã giảm thiểu thời gian chuyển hồ sơ từ các chi nhánh lên Văn phòng Đăng ký đất đai. Nhờ đó khối lượng công việc của các bộ phận được giảm bớt từ 50 đến 70%.
Đồng chí Tạ Đoan Hùng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tiên Lữ cho biết: Trước đây, toàn bộ hồ sơ của người dân phải in giấy và do chuyên viên của chi nhánh nộp trực tiếp đến các cơ quan liên quan để phối hợp giải quyết nên mất nhiều thời gian gửi, nhận. Từ khi triển khai hệ thống Vilis, hồ sơ được số hóa có thể luân chuyển ngay tới cơ quan để trình, phê duyệt, thời gian giải quyết được rút ngắn và liên tục. Người dân cũng có thể chủ động kiểm tra kết quả giải quyết TTHC bằng mã số hồ sơ được cấp. Việc hoàn thiện các thủ tục về cấp GCNQSDĐ cho người dân giảm từ 3 đến 5 ngày.
Để đem lại lợi ích cho người dân, đồng thời tạo thuận lợi và nền tảng số bền vững cho công tác quản lý hồ sơ đất đai đối với các cơ quan chuyên môn, thời gian tới, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần phối hợp, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, chú trọng kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính, số hóa trong lĩnh vực quản lý đất đai tại cơ sở.