Theo VASEP, với Dự thảo Thông tư ban hành danh mục công việc nhẹ người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm. Về tên của dự thảo thông tư này, VASEP đề nghị sửa lại thành “Thông tư ban hành danh mục công việc nhẹ dành cho người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm”. Đồng thời, VASEP đề nghị xem xét bỏ quy định tại khoản 3, Điều 2 của Dự thảo do tại các quy định của Bộ luật Lao động 2019 về lao động chưa thành niên từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi (Chương XI Mục I) không có quy định nào về việc người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản về việc tuyển dụng lao động chưa thành niên từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi: “Khi tuyển dụng lần đầu người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này”.
Hơn nữa, không yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải làm đủ 3 việc (sơ kết, tổng kết, báo cáo) như tại khoản 4, mà xem xét chỉ một thủ tục rõ ràng liên quan đến vấn đề này (báo cáo) cùng với việc báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Các dự thảo thông tư về nghề, công việc cho lao động chưa thành niên đang gây bất cập cho doanh nghiệp thủy sản |
Theo đại diện VASEP, việc đưa thêm quy định này là tạo ra thêm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, làm gia tăng thêm chi phí, nhân lực và tiêu tốn thời gian cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước, đi ngược lại chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao sức cạnh tranh cho DN của Chính phủ.
Với Dự thảo quy định danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể làm thêm giờ, làm việc ban đêm. VASEP đề nghị sửa tên của dự thảo thông tư thành: “Thông tư quy định danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm”.
Tại Khoản 3 Điều 3 của Dự thảo về trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc: “Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện thông tư này định kỳ hằng năm báo cáo Sở LĐ-TB&XH địa phương trong báo cáo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động”. VASEP đề nghị Ban soạn thảo xem xét không yêu cầu DN phải làm đủ 3 việc (sơ kết, tổng kết, báo cáo) như tại khoản 4, mà xem xét chỉ một thủ tục rõ ràng liên quan đến vấn đề này (báo cáo) cùng với việc báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.
VASEP cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 3/3/1999 về danh mục “nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” trong đó quy định công việc "chế biến thủy, hải sản đông lạnh” được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại IV. Đây cũng là cơ sở khiến DN thủy sản Việt Nam sẽ không được sử dụng các lao động chưa thành niên (đủ 15 đến dưới 18 tuổi) làm trong khuôn viên nhà máy chế biến thủy sản, kể cả những việc hết sức giản đơn như bóc tôm, rửa tôm, phân cỡ tôm... Tuy nhiên, do đặc thù của ngành chế biến thủy hải sản, do nếu nguyên liệu đã về nhà máy, nếu để lại quá lâu không được đưa vào chế biến thì sẽ giảm chất lượng và an toàn thực phẩm nên các nhà máy đều cố gắng để chế biến hết trong ngày, thậm chí công nhân có khi phải làm thêm giờ.
Được biết, những bất cập này đã được VASEP phản ánh với Bộ LĐ-TB&XH tại các công văn: Công văn số 200/2017/CV-VASEP ngày 15/12/2017, Công văn số 22/2018/CV-VASEP ngày 26/1/2018, Công văn 83/2018/CV-VASEP ngày 28/5/2018 và gần đây nhất là Công văn 54/2019/CV-VASEP ngày 13/6/2019 gửi Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn kiến nghị vướng mắc về danh mục công việc trong ngành chế biến thủy sản không được phép sử dụng lao động chưa thành niên.