VCCI góp ý về đơn giản hóa thủ tục thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính
Thông tư 18/01/2024 12:37
FAIP: Bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Campuchia |
Trả lời Công văn số 122/HĐTV của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính giai đoạn 2023 – 2025, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm liên quan đến ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
VCCI đề nghị rà soát lại tổng thể Thông tư 202/2012/TT-BTC quy định điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán |
Cụ thể, về tính pháp lý của một số điều khoản liên quan đến đăng ký hành nghề kiểm toán, Điều 3 Thông tư 202/2012/TT-BTC quy định điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán. Đây là một dạng của điều kiện kinh doanh. Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, thông tư không được phép ban hành điều kiện kinh doanh.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị rà soát lại tổng thể Thông tư 202/2012/TT-BTC và xác định các quy định có tính chất là điều kiện kinh doanh và đề nghị xây dựng các dạng quy định này ở cấp nghị định trở lên để đảm bảo tính chất pháp lý của quy định.
Liên quan đến thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Theo VCCI, mẫu Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán tại Phụ lục số 02/ĐKHN Thông tư 202/2012/TT-BTC yêu cầu phải kê khai nội dung về quá trình làm việc “kê khai liên tục quá trình làm việc kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học cho đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hành nghề trừ trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề bị mất, hỏng”.
Về vấn đề này, VCCI cho rằng, việc yêu cầu người đăng ký lại phải kê khai toàn bộ quá trình làm việc kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học cho đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hành nghề là chưa hợp lý, bởi vì trong lần đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề trước đó, người đăng ký đã phải kê khai quá trình làm việc từ khi tốt nghiệp cho đến khi đăng ký. Nếu tiếp tục giữ yêu cầu kê khai này, người đăng ký phải kê khai trùng lặp thông tin đã kê khai lần trước – cơ quan cấp phép đã có.
Để tạo thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, VCCI đề nghị chỉ cần kê khai quá trình làm việc trong thời gian được cấp phép đến thời điểm đăng ký cấp lại trong Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán.
Về thủ tục Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Điểm 4 Mục I Dự thảo bãi bỏ thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán là “Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề” quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 203/2012/TT-BTC. Đề xuất này là hợp lý, thể hiện được tinh thần cải cách.
Tuy nhiên, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Theo đó, VCCI cho rằng có thể đề xuất bỏ thêm các tài liệu: “Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư”, vì đây là thông tin có thể tra cứu trong hệ thống thông tin về đăng ký kinh doanh. Hoặc “Bản sao Điều lệ công ty”, vì đây là tài liệu không thể hiện hình thức của điều kiện nào của điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
Liên quan đến thủ tục Đăng ký cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên. Điểm 7 Mục I Dự thảo đề xuất nội dung đơn giản “phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán” với lý do “Nhằm tạo điều kiện, giảm thời gian thực hiện cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính do việc phân cấp thẩm quyền giải quyết được rút ngắn một bước”.
Việc phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, sẽ rút ngắn một bước trong giải quyết thủ tục, tuy nhiên, nếu đề xuất này không gắn với việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thì phương án cắt giảm này sẽ ít hiệu quả đối với các đối tượng thực hiện thủ tục, bởi vì dù Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán xét duyệt thì hiệp hội, doanh nghiệp cũng phải gửi hồ sơ tại một nơi và phải chờ đợi cùng một thời gian.
Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị bổ sung thêm phương án rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính khi phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính…
Liên quan đến ngành nghề kinh doanh "Dịch vụ thẩm định giá". Theo VCCI, mục IV Dự thảo đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định trong ngành nghề dịch vụ thẩm định giá. Một số đề xuất theo hướng bỏ hẳn thủ tục hành chính, lý do là “không còn được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật” (ví dụ: đăng ký giá của các doanh nghiệp thuộc danh sách đăng ký giá tại Bộ Tài chính; đăng ký giá của các doanh nghiệp thuộc phạm vi cấp tỉnh; …). Luật Giá 2023 sẽ phát sinh hiệu lực 01/7/2024 trong đó có nhiều quy định mới so với hiện hành.
Vì vậy, một số quy định về thủ tục hành chính theo quy định của Luật Giá 2012 sẽ không còn phù hợp, đương nhiên sẽ bị bãi bỏ khi Luật Giá 2023 có hiệu lực. Do đó, vấn đề bãi bỏ hoặc sửa đổi thủ tục hành chính để phù hợp với Luật Giá 2023 không có tính chất là kiến nghị đơn giản hóa quy định kinh doanh, mà có tính chất là rà soát quy định pháp luật để điều chỉnh theo quy định mới.
VCCI đề nghị, bỏ ra khỏi Dự thảo các đề xuất bãi bỏ thủ tục hành chính do không còn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thẩm định giá.