Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thủy sản trong hội nhập |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Luật Thủy sản 2017 sửa đổi Luật Thủy sản 2003, với cách tiếp cận mới phù hợp với xu thế hội nhập, cải cách hành chính nhằm giảm bớt các thủ tục cũng như triển khai tái cơ cấu của ngành nông nghiệp nói chung, ngành thủy sản nói riêng. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản. Là luật chuyên ngành chi tiết, những quy định trong luật khi luật thông qua có thể thực hiện ngay. Trong khoảng thời gian từ nay đến 1/1/2019 khi luật có hiệu lực, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định, nghị định, thông tư hướng dẫn.
Điểm mới đầu tiên là Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo quy định này, người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Luật quy định rõ căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài của một số loài di cư và loài có tập tính kết đàn tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý. Như vậy, thông qua quản lý theo hạn ngạch nhằm kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững...
Đối với mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, luật quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thủy sản lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm. Như vậy mức phạt đã được quy định tăng lên gấp 10 lần so với mức phạt tiền như quy định hiện hành. Theo đó, khi luật có hiệu là áp dụng được ngay không phải tiến hành sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chia sẻ thêm về vấn đề mức xử phạt, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, đây là câu trả lời của chúng ta đối với EU. EU cho rằng chúng ta đã không đưa ra những quy định xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Nay chúng ta đã đưa mức xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực này và được thể hiện rõ ở Luật Thủy sản. Trong luật đề cập đến mức phạt cao nhất, sau này các mức phạt cụ thể sẽ được quy định chi tiết trong các nghị định, thông tư.
Chiều ngày 21/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản với số phiếu 89,8%, đây là luật sửa đổi Luật Thủy sản 2003, luật này có cách tiếp cận mới phù hợp với cải cách hành chính nhằm giảm bớt thủ tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh. Luật Thủy sản 2017 có 9 chương, gồm 105 điều, Luật Thủy sản 2017 về cơ bản giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, giảm 1 chương và tăng 43 Điều so với Luật Thủy sản 2003 (105/62). |