“Thế kỷ 21 là thế kỷ của tội phạm hàng giả, hàng nhái”!
Đó là dẫn chứng từ một số ý kiến mà ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) trình bày tại Hội thảo hàng giả, hàng nhái và quyền lợi người tiêu dùng vừa diễn ra tại TP.HCM. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn “sống khỏe” được “mổ xẻ”, đồng thời các biện pháp khắc phục hạn chế cũng được một số ban ngành đưa ra. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu các giải pháp ấy có mang lại hiệu quả?
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam
Trước vấn đề này ông Lê Thế Bảo nhìn nhận, có thể nói hàng giả, hàng nhái là vấn nạn của tất cả mọi quốc gia trên thế giới và ngày một gia tăng. Qua đó cho thấy nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng nghiêm trọng mà như một số ý kiến đánh giá rằng “thế kỷ 21 là thế kỷ của tội phạm hàng giả, hàng nhái”.
“Ở Việt Nam, nạn hàng giả, hàng nhái cũng rất phổ biến, cả ở thành thị và nông thôn. Mặt hàng làm giả, làm nhái cũng hầu như phủ khắp tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp; từ những mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giầy dép, hàng điện tử, nội thất… đến những mặt hàng ăn uống, chăm sóc sức khỏe như thuốc, bánh kẹo, rượu bia…; thậm chí giống cây trồng, phân bón, hộ chiếu, con dấu… cũng bị làm giả. Hiện nay tốc độ làm giả rất nhanh, trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6-7 tháng, thì hiện nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng, kỹ thuật, thủ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi; làm giả không chỉ ở trong nước mà còn đặt hàng ở nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ” – Ông Bảo đánh giá.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đánh giá, hàng giả, hàng nhái là vấn đề nan giải của toàn xã hội, nó ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, là kẻ thù của doanh nghiệp. Đáng báo động là việc người tiêu dùng bị lừa, thậm chí nhiều trường hợp còn “tiền mất tật mạng”, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.
Ông Minh cho biết thêm, hiện nay thực trạng xâm phạm về quyền sở hữu công nghiệp xảy ra với mọi loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là hàng hóa đã qua đăng ký, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Không chỉ bán hàng giả, những kẻ lừa đảo còn lấy đích danh Công ty, địa chỉ, điện thoại chăm sóc khách hàng, làm giả con dấu và thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi “ảo” để dụ dỗ người dân vào tròng.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Quả lý thị trường (QLTT) TP.HCM, trong tháng 4/2015 đơn vị này đã phát hiện 41 vụ vi phạm, thu giữ gần 30.000 sản phẩm đối với mặt hàng mỹ phẩm có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp. Những sản phẩm này không có hóa đơn chứng từ, bày bán tại các cửa hàng trên phố và sạp mỹ phẩm ở các trung tâm thương mại. Đồng thời, lực lượng QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính 480 vụ, thu nộp ngân sách trên 5,1 tỉ đồng (gồm tiền phạt và tiền bán hàng tịch thu), tăng hơn 136% so với tháng trước.
Giải pháp nào đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng nhái?
Lực lượng QLTT kiểm tra một công ty sản xuất giả, nhái các loại khăn giấy ướt, mỹ phẩm tại quận Bình Tân.
Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận, ngoài nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái lộng hành là do những người làm ăn bất chính, hám lợi thì còn do chính các DN, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, các DN có sản phẩm bị làm giả, làm nhái đã không công bố do sợ ảnh thưởng đến uy tín sản phẩm, sợ người tiêu dùng hoang mang, sợ các đối tượng làm giả sau khi biết được sẽ làm giả, nhái tinh vi hơn. Người tiêu dùng vẫn còn mang tâm lý ham của rẻ hoặc tin vào những lời quảng cáo “có cánh”, không tìm hiểu xuất xứ sản phẩm..
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tuy đã có luật sở hữu trí tuệ nhưng việc hướng dẫn, thi hành còn quá chậm, thiếu đồng bộ, chậm đi vào đời sống. Việc xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ răn đe, trong khi lợi nhuận thu thu được từ việc làm hàng giả hàng nhái rất lớn nhưng số tiền phạt thì quá nhỏ.
Từ những hạn chế trên, nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, Chủ tịch Hội DN TP.HCM kiến nghị, cần có biện pháp chế tài thật nặng với đối tượng vi phạm, quy định kiểm soát các thông tin quảng cáo trên các phương tiện truyền thông phải được siết chặt…
Chế tài xử lý các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái còn quá nhẹ, trong khi lợi nhuận thu được từ việc làm phi pháp này cực "khủng".
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng: “DN phải đóng vai trò là lực đẩy, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, hàng nhái của chính các DN trên thị trường, cũng như hỗ trợ thông tin nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng, các lực lượng thực thi, để công cuộc chống hàng giả, hàng nhái không chỉ của riêng các cơ quan chức năng mà là sự chung sức của DN và người tiêu dùng...”
“Để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng nhái. Khi người tiêu dùng quan tâm hơn đến việc tìm đến những đại lý phân phối chính thức hay tìm hiểu kỹ về sản phẩm khi mua sắm sẽ góp phần thu hẹp “đất sống” của những cá nhân, tổ chức sản xuất hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, chúng ta có 35 Nghị định liên quan đến hàng giả, hàng nhái và chất lượng sản phẩm; 7 cơ quan thực thi về chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,… Bởi vậy, các cơ quan thực thi cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp chống lại nạn hàng giả, hàng nhái” – Ông Bảo chia sẻ.