Bắt đầu dỡ bỏ trạm thu phí Đại Xuyên trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình Hơn 17.000 lượt xe quá tải đi vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình |
Liên quan đến hàng trăm nghìn cây keo tai tượng dọc cao tốc Cầu Giẽ Ninh - Ninh Bình (dài 50 km) bị chặt bỏ khiến dư luận xôn xao, các đơn vị liên quan đã lên tiếng bày tỏ quan điểm về vụ việc.
Được biết, hàng cây bị chặt bỏ thuộc sở hửu của Công ty TNHH D&G Việt Nam (Công ty D&G Việt Nam). Năm 2015, Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) ký Hợp đồng Công ty TNHH D&G Việt Nam về việc hợp tác, đầu tư và phát triển hành lang trống hai bên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thông tin trên báo chí, ông Đỗ Chu Đạt, Giám đốc Công ty D&G Việt Nam cho rằng, việc chặt hạ những cây xanh này là bình thường. Công ty ký hợp đồng, đến thời kỳ khai thác theo kế hoạch thì khai thác rồi lại trồng cây mới thay thế. Trong quá trình trồng, nhiều cây bị ngả ra đường nên công ty phải chặt đi để đảm bảo an toàn.
Thời điểm hiện lại, lượng cây khai thác chỉ đạt gần một nửa so với số lượng cây được trồng ban đầu. Năm 2015, Công ty bỏ ra chi phí hơn 6 tỷ đồng để trồng 23 vạn cây keo tai tượng. Thế nhưng sau đó cây bị chết và bị chặt trộm chỉ còn khoảng 10 vạn cây.
Theo đại diện Công ty D&G Việt Nam, khoảng 4 năm trước, Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) đã chặt của doanh nghiệp này khoảng 10 km cây hai bên đường. Vừa rồi, doanh nghiệp tiếp tục bị mất thêm 7 km.
Hàng loạt cây xanh dọc cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bị chặt bỏ |
Liên quan vấn đề này, phía VEC O&M đã lý giải với báo giới rằng, theo hợp đồng, VEC O&M yêu cầu trồng cây ở khu vực chân taluy nhưng phía doanh nghiệp lại trồng tận lên mái taluy. Khi VEC phát hiện số lượng cây trồng trên gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và nhiều yếu tố khác nên đã chặt bỏ.
VEC O&M cho rằng, đây là trách nhiệm giữa hai bên khi ký kết hợp đồng, bên nào sai phải chịu, doanh nghiệp thiệt hại nên có ý kiến.
Trước đó, đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, việc chặt hạ cây keo dọc hai bên đường cao tốc là bắt buộc nhằm khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Theo kế hoạch năm 2024, VEC sẽ thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ nút giao Đại Xuyên đến Liêm Tuyền từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Do đó, việc chặt hạ cây xanh dọc đường cao tốc là cần thiết để chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 2 của Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Được biết, ngày 28/4 Công ty TNHH D&G Việt Nam đã có văn bản cam kết gửi VEC O&M và Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 - Cục Cảnh sát giao thông (C08). Theo đó, văn bản cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình cắt tỉa cây.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Yến (Giảng viên Lâm nghiệp đô thị), keo là loại cây công nghiệp tuổi thọ ngắn, nếu trồng cố định dọc đường cao tốc là không phù hợp. Khi cả hàng cây xanh mát dọc đường cao tốc bị chặt hạ thì sẽ cần kế hoạch "trồng gối" cây mới thay thế để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến đường. Do đó, chủ đầu tư phải cho biết kế hoạch trồng cây thay thế cụ thể.