Việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán không chỉ gây mất an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, mà còn xâm phạm đến quyền lợi của tiểu thương trong chợ.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ở phía Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh (thuộc xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn), là một trong ba chợ lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh, có vai trò là đầu mối cung cấp thịt heo và rau củ quả cho thành phố và các tỉnh lân cận.
Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn tiếp nhận hàng nghìn tấn nông phẩm mỗi ngày. Ảnh Ngân Nga |
Chợ đầu mối Hóc Môn hiện có khoảng 310 quầy hàng kinh doanh chủ yếu mặt hàng thịt heo, rau củ quả với số lượng lớn hoạt động liên tục 24/24 giờ hằng ngày. Lượng hàng hóa về chợ trung bình 2.350 tấn/ngày - đêm. Trong đó, rau củ quả khoảng 2.000 tấn; thịt heo khoảng 350 tấn (tương đương 4.500 – 5.000 con heo đổ về chợ mỗi đêm). Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu chợ này đang bị hàng trăm điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ bủa vây.
Theo ghi nhận của Vuasanca , mỗi ngày bắt đầu từ rạng sáng, hàng hóa được những xe tải, xe ba gác, xe máy đổ về. Các xe này không vào chợ mà hạ tải ngay ở giữa đường Nguyễn Thị Sóc và bên đường Quốc lộ 22. Sau đó, những người buôn bán tự phát bắt đầu soạn sạp, bày bừa hàng hóa đổ ra lòng đường, vỉa hè. Khu vực buôn bán tấp nập nhất là hai bên đường Nguyễn Thị Sóc, đường số 4, đường số 10, đường số 12, và Quốc lộ 22. Hàng hóa tập trung là rau củ quả, thịt heo lóc và nội tạng heo.
Nhiều hàng hóa bày bán trên lòng đường số 4. Ảnh Ngân Nga |
Khoảng 6h sáng, hàng hóa được bày lên kệ tươm tất cũng là lúc người mua kẻ bán, xe cộ tấp nập kín các con đường ven chợ. Khi hai mặt đường Nguyễn Thị Sóc và các tuyến đường ven chợ không còn chỗ chen chân, vỉa hè và lòng đường xung quanh chung cư Hoàng Quân cũng bị tiểu thương chiếm dụng để buôn bán. Hàng hóa còn được bày bán tràn ra đường, khiến phương tiện giao thông đi vào chợ hoặc đi trên quốc lộ 22 qua địa điểm này cũng bị tắc nghẽn.
Ông Lê Văn Tiển – Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, các chợ đầu mối nói chung và Chợ đầu mối Hóc Môn nói riêng là nguồn cung ứng thực phẩm chủ yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, an toàn thực phẩm hết sức quan trọng. Việc kinh doanh bên ngoài chợ không được quản lý không chỉ không thu được thuế mà có nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy…
“Nếu để các điểm kinh doanh tự phát ngày càng phình to và chiếm lĩnh thị trường mà không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm thì hết sức gay go. Hơn thế, dẹp loạn kinh doanh tự phát cũng là để trả lại sự bình đẳng, công bằng cho các thương nhân kinh doanh bên trong chợ - những người được thuê quầy sạp kinh doanh hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước”, ông Tiển chia sẻ.
Mất an toàn thực phẩm khi hàng hóa bày bán giữa nền đất khu vực ngoài chợ. Ảnh Ngân Nga |
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân sống lâu năm ở xã Xuân Thới Đông cho biết, hoạt động buôn bán tự phát quanh chợ đã diễn ra từ sau dịch Covid-19, và đến nay các quầy sạp ở ngoài chợ ngày càng nhiều. Mỗi ngày, hàng trăm phương tiện, hàng hóa lấn chiếm lòng đường, cản trở việc đi lại của người dân và các xe ra vào chợ. Ngoài ra, rác thải, nước thải tràn ra đường, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi muỗi ngày càng nhiều khiến những gia đình ở xung quanh chợ luôn cảm thấy ngột ngạt.
Ngoài người dân, những người đang chịu thiệt hại trực tiếp từ hoạt động buôn bán tự phát quanh chợ Hóc Môn chính là các thương nhân đang kinh doanh trong chợ.
Bà Nguyên Hồng Hạnh – thương nhân chuyên kinh doanh mặt hàng heo thịt chia sẻ: “Chúng tôi buôn bán trong này phải đóng thuế cho Nhà nước, đóng phí vệ sinh môi trường, nước thải, bốc xếp...; các mặt hàng phải tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Trong khi đó, những người buôn bán tự phát họ không phải đóng thuế, nguồn gốc và chất lượng hàng hóa không được kiểm soát. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý triệt để tình trạng buôn bán tự phát quanh chợ để lập lại kỷ cương và bảo vệ quyền lợi cho người làm ăn chân chính”.
Xe tải hạ hàng ngay trước mặt có biển cấm xe tải dừng đậu. Ảnh Ngân Nga |
Đại diện xã Xuân Thới Đông cho biết, hiện có 129 điểm kinh doanh ngoài chợ, trong đó có một số hộ kinh doanh có giấy phép và các điểm kinh doanh cố định đã nhiều lần nhắc nhở, xử phạt. Ngoài ra, các hộ kinh doanh không phép và các điểm kinh doanh không cố định rất khó xử lý bởi họ không thuộc diện quản lý.
Theo ông Nguyễn Duy Sơn, Đội trưởng Đội 4 (Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh), “Đội 4 đã phối hợp các cơ quan liên quan để xử lý các trường hợp kinh doanh chưa có Giấy cam kết hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng rất khó xử lý. Có một số hộ kinh doanh bị xử phạt nhưng không nộp, hiện chúng tôi cũng đành... bất lực”.
Việc xử lý các điểm bán hàng tự phát xung quan chợ đầu mối đang gặp nhiều khó khăn . Ảnh Ngân Nga |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết: “Hiện nay UBND huyện Hóc Môn đã thành lập tổ liên ngành nhằm đẩy mạnh xử lý các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Đồng thời tăng cường xử lý tình trạng buôn bán tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn. Tuy nhiên, rất mong công ty chia sẻ, vì chính quyền không thể giải quyết triệt để ngay được. Bởi tổ liên ngành rất áp lực khi việc nhiều, lương thấp và họ cũng có gia đình, không thể nào trực 24/24 được”.
Hiện TP. Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối là chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền, và chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi ngày cung ứng 70% - 80% thực phẩm cho các chợ nhỏ lẻ, trường học, các khu công nghiệp và người dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, kiểm soát các điểm kinh doanh tự phát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm… là việc làm tất yếu, hết sức quan trọng, cấp thiết của cơ quan quản lý Nhà nước.