Công văn "khẩn" cảnh báo về rủi ro trong hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam Vì sao Công ty BĐS Nhật Nam muốn thâu tóm Công ty Sông Đà 1.01 trên sàn chứng khoán? |
Hàng loạt cảnh báo từ báo chí truyền thông từ 2-3 năm trước
Trong hàng chục nghìn nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam hiện nay, không ít người đã đi vay mượn, cắm sổ đỏ ngân hàng, để lấy tiền bỏ vào đây và giờ đang rơi vào tình cảnh cùng cực.
Nhiều nhà đầu tư cũng phân tích được những bất thường của Công ty Nhật Nam, cũng biết đầu tư lãi cao là rủi ro cũng cao. Tuy nhiên, không ít người vẫn tin vào lời hứa của bà Tổng giám đốc, rằng nếu ai đầu tư vào Nhật Nam mất tiền, bà sẽ đền.
"Nếu ai đầu tư vào Nhật Nam mất tiền tôi đền. Gửi tiền vào Nhật Nam tôi cam kết sẽ không bị mất", bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam khẳng định. Cũng chính những lời "hứa" này, khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục hy vọng.
Thực tế, những lùm xùm này của Công ty Nhật Nam chỉ là “giọt nước tràn ly” khi trước đó, hàng loạt bài báo, rất nhiều các cơ quan chức năng đã vào cuộc cảnh báo "nóng" về những dấu hiệu bất thường của Công ty Nhật Nam nhưng dường như người dân không cảnh tỉnh.
Năm 2020, trong bài viết: Bất thường kiểu gọi vốn của Công ty Nhật Nam, Báo Lao Động đã phản ánh việc nhiều nhà đầu tư bị hấp dẫn với mức lãi suất "khủng" mà Công ty Nhật Nam, địa chỉ số 54 Ngô Thị Thu Minh, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh đưa ra.
Vuasanca trước đó đã đưa tin liên quan đến những bất thường của Công ty Nhật Nam |
Liên quan đến phản ánh về kêu gọi vốn bất thường của công ty này, Báo Lao Động đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện Công ty Bất động sản Nhật Nam. Khi bày tỏ hoài nghi về mức lãi suất quá cao, nhân viên của Công ty Nhật Nam khẳng định công ty có tài sản bảo đảm nhiều quỹ đất có vị trí đắc địa tại Tây Ninh, Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nội, Buôn Ma Thuột...
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về một số quỹ đất của Nhật Nam tại Tây Ninh thì thấy đều là đất trồng lúa giá trị thị trường rất thấp (40 - 60 triệu đồng/1.000m2 đất). Trong đó, có những thửa đất đứng tên cá nhân.
Trước hoài nghi của dư luận về mức lãi suất "khủng" mà công ty chi trả cho nhà đầu tư, đại diện Công ty Nhật Nam cho rằng, sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào đều được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau.
Đại diện Công ty Nhật Nam cho biết, doanh nghiệp này đang ở giai đoạn đầu tiên trong sự phát triển nhằm thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp xác định không cần quá quan trọng về lợi nhuận mà chú trọng xây dựng tệp khách hàng. Đến giai đoạn phát triển sau, tệp khách hàng đó sẽ tạo ra lợi nhuận khi công ty phát triển các dự án khác. Họ có thể là khách hàng mua sản phẩm bất động sản của công ty, khách hàng đầu tư vào công ty, khách hàng hợp tác kinh doanh với công ty…
Tương tự, Báo Giao thông cũng từng phản ánh, thời gian qua có nhiều thông tin, Công ty Nhật Nam trả lợi nhuận không như cam kết, bị nhà đầu tư yêu cầu rút vốn. Theo thông tin Báo Giao thông đưa tin, nhận được phản ánh của nhà đầu tư đã góp vốn với Nhật Nam về việc đang yêu cầu đơn vị này chấm dứt hợp đồng, hoàn trả vốn.
Theo phản ánh nhà đầu tư này, năm 2021, nhà đầu tư đã ký 3 hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Nhật Nam. 3-4 tháng đầu, Công ty Nhật Nam trả đủ quyền lợi theo hợp đồng đã ký là 20 lệnh/tháng, tính theo số ngày làm việc. Tuy nhiên hiện nay, nhà đầu tư chỉ nhận được 10 lệnh/tháng, tính theo số ngày làm việc (giảm 50% lệnh thanh toán). Do đó, nhà đầu tư muốn chấm dứt hợp đồng vì Nhật Nam đã vi phạm thời hạn thanh toán (quy định tại Điều 3 hợp đồng).
Trước đó, ngày 4/8/2022, như Vuasanca đã phản ánh, từ những bất thường của Công ty Nhật Nam, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an cũng đã ra công văn cảnh báo: Công ty Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Nội dung trong hợp đồng đều dồn nhà đầu tư vào thế bất lợi, nắm dao đằng lưỡi. Đây chính là nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự xã hội sớm muộn sẽ bùng phát. Biểu hiện rõ nhất, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản công ty mà sử dụng tài khoản các cá nhân như của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền. Đây là “chiêu” lách luật, trốn thuế và bộc lộ phần nào “bản chất” của trò chơi mạo hiểm.
Liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư của Công ty Bất động sản Nhật Nam, hàng loạt địa phương như UBND tỉnh Hoà Bình, UBND TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai)… cũng phát đi cảnh báo.
Văn bản của UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu rà soát tình trạng hoạt động của Công ty Nhật Nam |
UBND TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã ban hành Công văn số: 2382/UBND-VP, yêu cầu UBND các phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, chủ động phòng ngừa vi phạm của Công ty Nhật Nam. Chỉ đạo của chính quyền TP. Việt Trì dựa trên đề nghị của cơ quan Công an thành phố sau khi thu thập được các thông tin không tích cực liên quan đến Công ty Nhật Nam.
Trước đó, các tỉnh như Lào Cai, Hòa Bình cũng phát đi văn bản cảnh báo về việc Công ty Nhật Nam lôi kéo nhiều nhà đầu tư góp vốn với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%, kèm theo nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, Nhật Nam chi trả lợi nhuận bằng tài khoản cá nhân, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm luật quản lý thuế. Cách quản lý bất động sản Nhật Nam được các chuyên gia nhận định tương tự như mô hình “Ponzi”, tức là lấy tiền của người trước trả cho người sau với rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Những lời cảnh báo bị bỏ ngoài tai và cái kết đắng cho hàng vạn người
Vừa qua, trên mạng xã hội lại “dậy sóng” về những thông tin liên quan đến Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam). Cụ thể, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, vì tin vào những hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao 46%/năm, trả lãi theo ngày của Công ty Nhật Nam, khiến nhiều người phải “ngậm trái đắng”, nợ nần chồng chất.
Đó có lẽ là cái kết tất yếu cho những cái chết đã được báo trước. Dư luận giờ đây rồi sẽ đặt câu hỏi vì sao những cảnh báo rõ ràng ấy, bao gồm cả công văn từ các cơ quan pháp luật hẳn hoi lại không được xử lý triệt để?
Nhiều nhà đầu tư cho biết, tin tưởng vào lời hứa của bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của công ty rằng "ai mất tiền thì bà sẽ đền" nên họ đã dồn hết tiền của bỏ vào Công ty Nhật Nam, với mong muốn kiếm chút lãi hàng ngày để ổn định cuộc sống hoặc là có cơ hội làm giàu cùng Nhật Nam. Tuy nhiên, giàu đâu chưa thấy, ổn định đâu chưa thấy thì giờ đây sau hơn 1 năm chỉ thấy cuộc sống bấp bênh vì hết tiền, thậm chí có gia đình lâm vào cảnh ly tán. Đáng nói, trong số đó, có cả những cụ già, thậm chí những thương binh mất sức lao động.
Trước đó, có rất nhiều thông tin cho rằng bất động sản Nhật Nam lừa đảo? Cảnh báo đa cấp? |
Ông Bùi Dũng Phước (hơn 80 tuổi, Hưng Yên) là một ví dụ. Ông là thương binh hạng A mất sức 81%. Cách đây 1 năm nghe theo lời một người quen, ông ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Nhật Nam để được lĩnh lãi hàng ngày, duy trì cuộc sống. Thế nhưng, Công ty Nhật Nam chỉ trả lãi có nửa tháng rồi dừng hẳn. Cả đời gom góp được 500 triệu đồng để dưỡng già thì giờ có nguy cơ mất trắng.
Chiêu thức "hút" nhà đầu tư mà Công ty Nhật Nam áp dụng là trả lợi nhuận cao (trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 70% hay 80% một năm), nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Theo môi giới của Công ty Nhật Nam nói, cứ đầu tư 4 tỷ sẽ có 1 sổ cổ đông chiến lược, mỗi tháng ngoài lợi nhuận 46%/năm, nhà đầu tư được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng. Ngoài tặng sổ cổ đông, Công ty Nhật Nam còn hào phóng tặng cổ phiếu nội bộ cho các nhà đầu tư. Gói 100 triệu đồng được tặng 125 cổ phiếu. Gói 5 tỷ đồng tặng 10.000 cổ phiếu.
Với giá 1 cổ phiếu do Công ty Nhật Nam tự quy định là 16.000 đồng và cam kết 10 tháng sau công ty sẽ mua lại với giá 20.000 đồng, thậm chí là 27.000 đồng/cổ phiếu. Sau thời gian 1 năm, công ty cam kết mua lại cổ phiếu đó với giá 27.000 đồng. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư: "Họ đưa ra họ hứa họ mua nhưng họ không mua".
Chân dung CEO Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội động quản trị, đại diện pháp lý Bất động sản Nhật Nam |
Mới đây trên mạng xã hội tràn lan clip đối đáp của bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Nhật Nam - với các nhà đầu tư tại một buổi đối thoại.
Trong buổi đối thoại, các nhà đầu tư yêu cầu Công ty Nhật Nam tất toán hợp đồng hợp tác kinh doanh, trả tiền lãi và gốc cho các hợp đồng. Tuy nhiên bà Vũ Thị Thúy cho rằng, các nhà đầu tư đi làm việc với bộ phận pháp chế, khiến các nhà đầu tư rất bức xúc bởi chính bà Thúy là đại diện của Công ty Nhật Nam. Ngoài ra, khi bị nhà đầu tư chất vấn, bà Thúy còn có thái độ "cực gắt" với nhà đầu tư.
Theo các luật sư, khó có thể có hoạt động sản xuất kinh doanh nào hiện nay có được lợi nhuận cao, để có thể chi trả cho các nhà đầu tư như của Công ty Nhật Nam. Giữa bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn trong khoảng 3 năm trở lại đây, mức lãi suất này là "không tưởng".
Nếu có làm ăn thật, có dự án thật, có hoạt động tốt, thuận lợi thì không thể nào có được lãi suất cao như vậy. Nếu có thì cũng phải phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian nhất định. Ít nhất là 1 năm mới đánh giá được lợi nhuận, hiệu quả ra sao. Còn trả lãi cao như thế này chỉ có cách là huy động đa cấp, nhận của người sau trả cho người trước.
Công ty Bất động sản Nhật Nam được thành lập từ năm 2017. Hiện nay, bà Vũ Thị Thúy đang là đại diện pháp lý – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Nhật Nam. Nhật Nam sở hữu số vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đã lên đến hơn 800 tỷ. Công ty Nhật Nam đang sở hữu khối tài sản vững chắc đa dạng ngành nghề như: nhà hàng, khách sạn, karaoke, chuỗi cafe cao cấp… Trong đó bất động sản vẫn là chủ lực. Tất cả các bất động sản của Công ty Nhật Nam đều đạt những tiêu chí khắt khe về pháp lý. Theo lời tự giới thiệu trên website của doanh nghiệp này, Nhật Nam đã xây dựng được nhiều cơ sở kinh doanh trên cả nước và hàng loạt bất động sản trải dài từ Bắc vào Nam như: Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Mê Thuột, Tây Ninh, Phú Quốc. Ngoài ra, Nhật Nam cũng theo lời tự giới thiệu, công ty này xây dựng được hệ thống tòa nhà, văn phòng giao dịch trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước nhằm thuận tiện giao dịch hơn cho nhà đầu tư. |