Vị tướng hai lần anh hùng
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang phát biểu trong buổi tọa đàm giao lưu và tri ân các anh hùng liệt sỹ thành cổ Quảng Trị
- Anh dũng trong chiến đấu
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang sinh năm 1951, tại Dương Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình. Năm 1969, khi chưa tròn tuổi 18, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, Nguyễn Xuân Sang xung phong nhập ngũ. Sau gần hai tháng huấn luyện ở Tiểu đoàn 49, tỉnh đội Quảng Bình, ông được điều động vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Là chiến sỹ thuộc Trung đoàn 271 ở mặt trận B5 – Quân khu Trị Thiên, ông đã trực tiếp chiến đấu trên đất lửa Quảng Trị với ý chí quyết tử cho tổ quốc.
Trong những năm tháng khói lửa, ông đã tham gia hàng chục trận đánh ác liệt tại chiến trường Bình - Trị - Thiên, đặc biệt là trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Lửa đạn chiến tranh đã tôi luyện cho ông bản lĩnh và nghị lực phi thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông không nhớ hết những trận đánh oanh liệt nhưng có một ký ức mà ông cùng đồng đội không bao giờ quên. Đó là lần ông chỉ huy tiểu đội cắm cờ giữ đất và trực diện chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ vùng giải phóng xã Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị trong ngày đầu tiên Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973). Với bản chất hiếu chiến, quân địch đã không thực hiện đúng Hiệp định Paris, chúng nhổ cờ để lấn chiếm vùng giải phóng của ta ở khu vực giới tuyến. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên không được nổ súng trước, ông đã cùng với đồng đội ra khỏi công sự với thái độ kiên quyết, không khoan nhượng, nhưng kẻ thù vẫn lấn tới, một tên địch ngoan cố lên nhổ cờ của ta ném xuống đất. Căm phẫn trước thái độ của địch, ông đã bằng tay không quật ngã tên địch cao to hơn mình, đấm thẳng vào mặt chúng. Vừa đánh, ông vừa dõng dạc tuyên bố: “Mỗi tấc đất ở đây đã thấm bao nhiêu xương máu của đồng đội tao, tao phải bảo vệ đến cùng”. Thái độ kiên quyết của ông đã buộc tên địch phải cắm lại lá cờ của ta về vị trí cũ…
Chỉ trong thời gian từ năm 1971 - 1974, ông đã dũng cảm chiến đấu và trực tiếp chỉ huy hàng chục trận đánh ác liệt tại Khu vực chợ Sải, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cảng Cửa Việt... Không chỉ tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, ông còn tham gia các trận đánh ở Cánh Đồng Chum, Champasack, Attapeu và Se Kong, cùng với quân đội nước bạn Lào, chiến đấu chống kẻ thù chung, truy quét bọn phỉ Fulro để giữ bình yên cho đồng bào, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân Lào anh em.
Chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục gắn bó cuộc đời người lính với mảnh đất Tây Nguyên…
Bản lĩnh trên cao nguyên xanh
Năm 1985, Binh đoàn 15 thành lập, Nguyễn Xuân Sang chuyển về công tác tại binh đoàn. Trải qua nhiều chức vụ khác nhau, lúc nào ông cũng trăn trở phải làm gì để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho người dân nơi đây. Bước ngoặt lớn đối với ông vào năm 1998, khi ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh đoàn 15 (Tổng giám đốc - Tổng công ty 15). Trên cương vị mới, ông đã cùng lãnh đạo Bộ tư lệnh đầu tư, phát triển Binh đoàn 15 ngày càng lớn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang chia sẻ: Là những cán bộ sĩ quan và đảng viên đã từng xông pha trận mạc, đi qua nhiều buôn làng và chung sống với đồng bào các dân tộc thiểu số, từng được đồng bào chở che, cưu mang, đùm bọc…, vì vậy, không thể để bà con mình khổ cực. Những năm qua, Binh đoàn 15 đã tích cực vận động bà con vào làm công nhân, giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, biến Tây Nguyên thành rừng cây công nghiệp, phủ màu xanh của no ấm.
Có thể nói, tại mảnh đất Tây Nguyên, phẩm chất “người lính Cụ Hồ” một lần nữa tiếp tục tỏa sáng. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đã cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh binh đoàn hạ quyết tâm: Thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, thực hiện phương châm “vừa làm vừa học tập rút kinh nghiệm và hoàn thiện dần”, “lấy ngắn nuôi dài”, “vườn cây đến đâu tổ chức cụm dân cư đến đó, khai hoang trồng mới đến đâu đưa dân tại chỗ vào nhận diện tích ở đó”.
Một trong những chủ trương góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xây dựng địa bàn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường gắn bó chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương của thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đó là tham mưu và trực tiếp đưa ra chủ trương: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với buôn làng”. Tiếp sau đó, Binh đoàn 15 đã phát triển và thực hiện tốt phương châm "Hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số". Trên cơ sở bố trí lại dân cư theo qui hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng an ninh, hình thành nên các cụm làng xã biên giới, tạo nên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh phát triển sản xuất kinh doanh, Binh đoàn 15 luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội cộng đồng. Binh đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng như: Trường học, đường nông thôn, bệnh xá, đưa điện về tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa; tổ chức hàng chục ngàn ngày công giúp người dân địa phương khai hoang, phục hóa trồng hàng trăm ha lúa nước, điều cao sản… phục vụ đời sống dân sinh trong vùng dự án.
Binh đoàn cũng không ngừng mở rộng diện tích đất sản xuất, tuyển lao động là người dân tộc thiểu số vào làm công nhân và giao khoán vườn cây cho hộ dân tộc thiểu số chăm sóc, thu hoạch. Nhiều gia đình trước đây chỉ biết làm nương rẫy, nay đã thay đổi nhận thức, thực hiện định cư, xóa bỏ tập tục lạc hậu, chuyển sang trồng cây công nghiệp dài ngày. Đời sống của cán bộ công nhân viên chức, người lao động, đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thực tế này đã làm thay đổi diện mạo buôn làng, qua đó củng cố thêm lòng tin của dân với Đảng, với Nhà nước, với quân đội và chính quyền địa phương. Binh đoàn 15 đã trở thành một điển hình về phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo.
Đến nay, Binh đoàn 15 đã tổ chức triển khai 14 dự án, 7 khu kinh tế quốc phòng với hơn 20.000 lao động và hàng vạn nhân khẩu. Phát triển trên 35.000 ha cao su, 1.000 ha cà phê, 92 ha lúa nước, tạo nên một vành đai xanh dọc biên giới, đem lại cuộc sống ổn định, ấm no cho hàng chục nghìn người dân.
Để ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được, năm 2003, Binh đoàn 15 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Cá nhân thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Hơn 40 năm sống và gắn bó cuộc đời binh nghiệp, dù trong chiến tranh hay thời bình, thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang vẫn luôn giữ vững bản chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ, quả cảm, kiên trung, cháy bỏng khát vọng cống hiến vì ấm no, hạnh phúc, bình yên của nhân dân, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Thanh Minh