CôngThương - Phổ cập chứ không phải là mật độ
Ngành Viễn thông trong rất nhiều năm qua có một từ rất thông dụng là "Mật độ" hay "Mật độ điện thoại". Chúng ta mất 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm mới đạt mật độ điện thoại cao trên 80% - chúng ta coi đó là một chỉ số đánh dấu sự phát triển, và các nước đang phát triển vẫn đang nhìn nhận như thế này. Thậm chí khi tôi nói chuyện với Bộ Bưu chính Myama, cách đây 5 năm họ cũng chỉ đặt ra mục tiêu 25 năm nữa mật độ điện thoại ở Myama sẽ là trên 70%.
Thế nhưng hiện nay, có rất nhiều ứng dụng nếu như chúng ta không đạt mật độ cao, thậm chí nếu không đạt mật độ 100% thì chúng ta không thể triển khai được. Tôi ví dụ như chuyện đào tạo từ xa. Chúng ta mong con em mình giảm thời gian học hành ở trường bằng cách đưa một số chương trình đào tạo từ xa về nhà để các em có thể học ở nhà, nếu không đưa 100% truyền hình cáp đến mọi người, mọi nhà thì chúng ta ko có phương thức nào khác.
Rất nhiều quốc gia đã ý thức được chuyện này, nên người ta đưa ra khái niệm: Viễn thông là hạ tầng quốc gia. Chữ quốc gia hiểu theo mấy nghĩa: Nghĩa một là phải phổ cập; Nghĩa thứ hai là ở những chỗ khó khăn quá thì Chính phủ bỏ tiền ra làm. Hiện nay đã có trên 50 quốc gia đi theo hướng này, thậm chí có một số quốc gia cực đoan đến mức yêu cầu các nhà mạng không làm nữa, Chính phủ bỏ tiền ra làm, ví dụ như Úc đã bỏ ra mấy chục tỉ để tạo ra một hạ tầng quốc gia.
Chữ mà ngành của chúng ta từ trước rất hay nói là anywhere, anytime, hiện nay, chúng ta cần bổ sung thêm chữ anybody - có nghĩa là phải đến được mọi người và mọi nhà và thật may mắn là giá của các công nghệ không còn cao nữa. Nếu chúng ta làm được việc đấy thì viễn thông không còn là alo nữa mà là tất cả, len lỏi vào mọi cái.
Mobile broad band là cơ hội để phổ cập
Chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ rất mạnh mẽ của điện thoại di động. Theo số liệu gần đây nhất thì mật độ điện thoại đã đạt đến gần 100% trên toàn thế giới. Câu chuyện Mobile BroadBand hiện nay chỉ đạt ở mức gần 30%, nhưng nó tăng trưởng rất nhanh với tốc độ là 40% và đối với các nước đang phát triển thì tốc độ nó còn cao hơn nữa. Đối với Mobile BroadBand, một cơ hội mơ ước cũng không có đối với các nước đang phát triển là việc Phổ cập dịch vụ Internet.
Nếu nghĩ rằng Internet phải thông qua PC, thông qua đường truyền ADSL - đối với các nước đang phát triển gần như không có cơ hội tiếp cận, vì máy tính bây giờ giá rẻ cũng gần 400 USD, đường truyền ADSL giá rẻ cũng gần 10 USD/tháng. Nhưng nếu nhìn nhận Smartphone có thể thay thế được PC, khi giá của Smartphone hiện nay cũng chỉ khoảng 50 USD, và đến năm 2015 dự kiến giá thành của Smartphone còn dưới 30 USD thì đây là một câu chuyện khác. Viettel hiện cũng tham gia sản xuất Smartphone và giá cũng xấp xỉ 50 USD. Nếu chúng ta coi một chiếc Smartphone như một chiếc máy tính thì có thể giải được bài toán phổ cập dịch vụ cơ bản đến với mọi người dân. Nếu chúng ta dùng 3G để cung cấp dịch vụ Internet thì trung bình hàng tháng người dân chỉ phải trả cỡ 2 USD, thậm chí không đến mức giá này. Như vậy, câu chuyện 400 USD để có một máy tính, 10 USD/tháng chỉ còn là 50 USD và 2 USD, chúng ta có thể phổ cập được internet đến với mọi người và mọi nhà.
Câu chuyện BroadBand Internet, BroadBand Mobile cũng phải có điều kiện của nó. Nếu chúng ta chỉ có tần số 2100 Mhz thì rất khó đạt được chất lượng tốt về 3G, đạt được vùng phủ tốt. Cho nên bắt buộc phải có tần số thấp 800/900, đó là điều kiện tiên quyết.
Sự trở lại của mạng cố định
Có một giai đoạn trên 10 năm chúng ta nghĩ rằng mạng Cố định sẽ chết. Viettel thì nhìn thấy rằng, sẽ có sự trở lại của mạng Cố định, chỉ có điều đó là mạng Cố định băng rộng. Nhìn vào số liệu, ở những nước đang phát triển tốc độ tăng trưởng của mạng cố định băng rộng là 40% một năm. Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới mà nghề chính là Di động thì bây giờ tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang Cố định băng rộng. Lý do mà chúng tôi nói đến cố định băng rộng là vì chỉ duy nhất điều này mới giải được câu chuyện băng thông cố định.
Có một điều ít người nói đến, đó là mạng Cố định chính là nền tảng cho mạng di động băng rộng. Bởi mạng di động băng rộng trong tương lai là những trạm rất nhỏ, mỗi gia đình lắp một trạm, hoặc mỗi toà nhà có 1 trạm. Để làm được chúng ta phải có một đường Internet băng rộng đến từng hộ gia đình, từng toà nhà. Ai làm được việc đó? Chỉ có mạng cố định băng rộng. Đối với quốc gia, đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm dể nhận thức đúng về mạng cố định băng rộng. Nó chính là cơ sở hạ tầng tương lai để cho một quốc gia, cho cả mạng di động và cho cả các ứng dụng băng rộng.
Khái niệm "Nhà cung cấp dịch vụ" thay thế khái niệm "nhà mạng"
100 năm nay, ngành nghề chính của chúng ta là alô. 100 năm nay chúng ta kinh doanh chỉ dịch vụ alô, trong khoảng vài chục năm trở lại đây có thêm nghề kinh doanh SMS. Alô đã từng chiếm 100% doanh thu của các nhà mạng, hiện nay chiếm khoảng 75% và chắc vài năm nữa xuống 25%. Điều đó có nghĩa rằng nghề chính của chúng ta, dịch vụ chính của chúng ta không còn là miếng bánh chính nữa. Chính vì thế Viettel mới đưa ra khái niệm: Viễn thông không còn là viễn thông nữa.
Viễn thông bắt buộc phải chuyển sang các lĩnh vực khác. Khái niệm "Nhà mạng" bây giờ phải chuyển thành "Nhà cung cấp dịch vụ". Đặc biệt, niềm tự hào to lớn của doanh nghiệp viễn thông là Mạng lưới thì bây giờ không còn là niềm tự hào nữa rồi, mà niềm tự hào lớn nhất sẽ là lực lượng nghiên cứu, phát triển ứng dụng mới. Viettel gần đây cũng có sự chuyển dịch rất quan trọng, lực lượng làm trong lĩnh vực R&D, CNTT, phát triển ứng dụng mới đã có vài nghìn người, đây chính là tài sản lớn nhất của Viettel chứ không chỉ thuần tuý là Network.
Chúng ta cần có một sự kết hợp giữa Viễn thông, CNTT & Điện tử
Điện tử ở đây được hiểu là "Device". Nếu như chúng ta cộng được 3 yếu tố này với nhau thì chúng ta sẽ đưa được vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khi đó sẽ giải được câu chuyện thay đổi về Chất của một công ty Viễn thông. Tức là, công ty Viễn thông sẽ không còn là Viễn thông nữa. Gỉai được câu chuyện này, thì lĩnh vực sống, không gian sống của chúng ta không phải là 3-3,5% GDP, mà sẽ là 10-15% GDP. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội vô cùng lớn cho các nhà mạng, nếu chúng ta ý thức được sự thay đổi này.
Tôi xin lấy một thí dụ đơn giản nhất là Smart Metering (Công tơ điện thông minh). Hiện nay Viettel đang làm với Điện lực Việt Nam. Với bài toán này, Telecom giải câu chuyện về truyền số liệu, Electronics giải câu chuyện Device (công tơ điện số hoá), IT làm Billing, tính cước và trừ tiền thời gian thực, giờ cao điểm và giờ không cao điểm.
Nói đến viễn thông chúng ta hay nói câu chuyện Nhanh. Hiện nay, chúng ta cần Nhanh hơn.
Vì sao phải nhanh hơn? Bởi vì khi chúng ta nói đến sự kết hợp giữa Viễn thông, Điện tử và IT thì chủ yếu phụ thuộc vào ý tưởng. Làm thế nào để đo được Cholesterol, đo được bệnh Gout, sau đó nhắn tin cho khách hàng nhắc nhở, đó là ý tưởng hay và có nước đã làm được việc đó. Nếu chúng ta làm được, khách hàng sẵn sàng chi trả 10 USD/tháng. Bởi vì, trong xã hội tương lai, y tế và giáo dục sẽ là hai ngành được quan tâm nhiều nhất và chi phí nhiều nhất. Đó là cơ hội và chúng ta phải làm nhanh hơn.
Một điều rất may mắn cho chúng ta,bđó là các nước đã phát triển và đang phát triển cơ bản không khác nhau nhiều, thậm chí, các nước đang phát triển còn có cơ hội lớn hơn, bởi vì gánh nặng quá khứ cũng chúng ta ít hơn họ, họ có nhiều công nghệ đã cũ kỹ, lỗi thời, còn chúng ta đi thẳng đến công nghệ hiện đại. Đầu óc chúng ta sáng suốt hơn. Đây là cơ hội lớn để các nước đang phát triển không những đuổi kịp mà còn vượt các nước đã phát triển.
Về điều tiết, quản lý, hiện nay chúng ta cũng có những cực đoan. Có những lúc điều tiết quản lý rất chặt, có những lúc thấy chặt quá thì lại thả bung. Ví dụ như về Hạ tầng thì quản lý, về Dịch vụ thì không quản lý và hướng dẫn. Lời giải phù hợp nhất là sự kết hợp hài hoà giữa quản lý và không quản lý. Bao giờ cũng cần sự kết hợp này một cách rất nhuần nhuyễn, cực đoan về phía nào thì đều không đúng, nhất là trong những lĩnh vực mới như các dịch vụ nội dung.
Nên hợp tác với OTT
Viettel hiện nay có hơn 30 ngàn người trong và ngoài nước. Trước đây đó là niềm tự hào lớn, nhưng bây giờ đó lại là mối lo. Hiện giờ lại xuất hiện những công ty 10 người và 100 ngàn USD. Thường thường, sự sáng tạo nhỏ bao giờ cũng tốt hơn sự sáng tạo lớn. Các công ty lớn sức sáng tạo không bao giờ và mãi mãi không bao giờ bằng một công ty nhỏ. Thế giới lại đang chuyển sang một giai đoạn cần sự sáng tạo để đưa viễn thông, CNTT và Điện tử vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu các doanh nghiệp lớn không học được bài học để trở thành các ông nhỏ, hành động, sáng tạo, chính sách khách hàng như các doanh nghiệp nhỏ thì không có cửa về dài hạn. Ví dụ như Kakao chỉ vài năm trở lại đây tăng trưởng mấy trăm phần trăm, mà Kakao chỉ có 200 người.
Các công ty Viễn thông, các nhà mạng bắt buộc phải học một bài học nữa là hợp tác, làm ăn, chia sẻ với hàng nghìn ông nhỏ để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ và đó cũng chính là lối thoát cho các nhà mạng. Mơ ước của các nhà mạng đó là đạt được sự sáng tạo được như các DN OTT, ngay bây giờ, chúng ta cần phải học dần để trở thành ông nhỏ và ngay việc hợp tác với những ông nhỏ trong việc chia sẻ chuỗi giá trị.
Sự chuyển dịch mà Viettel chia sẻ theo tôi chính là cơ hội cho các nước đang phát triển. Hiện Viettel đang tận dụng những cơ hội đó để làm ở Việt Nam và đi ra nước ngoài. Khi Viettel đi ra nước ngoài cũng có một triết lý rất quan trọng: Những gì tốt đẹp nhất của Viettel và của Việt Nam thì mang đi nước ngoài. Có lẽ rất ít công ty trên thế giới làm được việc này. Những nước mà Viettel đầu tư thì thậm chí được áp dụng những công nghệ mà Việt Nam chưa dùng.
Đến nay, Viettel đã khởi động những công việc đầu tiên để thực hiện Mục tiêu quan trọng nhất: Biến Viettel thành một công ty không còn làm viễn thông nữa.