Việt Nam cần tạo tâm thế chủ động trong việc thực hiện các FTA
Tin hoạt động 23/09/2020 20:07
Đến nay, Việt Nam đang thực hiện 13 FTA đi vào thực hiện đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện các hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên. Báo cáo tập trung vào đánh giá tổng quan về các FTA mà Việt Nam đã thực hiện, từ việc tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước trong quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định, phân tích tác động của các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với đối tác, đánh giá tác động đối với xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trong nước, dịch vụ, đầu tư từ việc cắt giảm thuế quan, tình hình sử dụng các ưu đãi của quy tắc xuất xứ (C/O) cũng như tác động của các biện pháp phi thuế quan và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Chính phủ về tình hình thực hiện các FTA |
Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng cho biết việc đàm phán, ký kết, gia nhập các FTA của Việt Nam cơ bản đã tuân thủ các quy định của pháp luật về điều ước quốc tế: Pháp lệnh về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế năm 1998; Chương II, III của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; Chương II Luật Điều ước quốc tế 2016.
Bộ trưởng Tuấn Anh nhận định, việc tham gia các hiệp định FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Theo đó thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA v.v. Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi làm việc |
Năm 2019, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm tốc do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu 2019 đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng: tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 337,23 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và nhập khẩu đạt 161,87 tỷ USD, giảm 2,4%.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát |
Kết quả đạt được này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong việc tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các FTA nói riêng, đặc biệt là các hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ ra gồm thách thức về kinh tế; thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường…; thách thức về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về những cơ hội do FTA mang lại còn hạn chế, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội. Việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết với mục đích mang lại cái nhìn bao quát, xác định được cơ hội – thách thức với doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.
Từ việc phân tích, đánh giá những thành tựu và kết quả đạt được cũng như khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình thực thi, Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra một số khuyến nghị về chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề, người lao động và người dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi các FTA đã ký kết trong giai đoạn tiếp theo, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên |
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong Đoàn giám sát phát biểu làm rõ thêm các nhận định nêu trong báo cáo của Chính phủ, kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương đã chuẩn bị báo cáo kịp thời, đầy đủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên, là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ để chọn giám sát. “Gọi là giám sát thực ra đây cũng là rà soát việc thực hiện các FTA mà Việt Nam đã tham gia”- Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, Chính phủ đã tích cực xây dựng các văn bản luật. FTA tác động tích cực đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và đã khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; đề nghị UBTVQH quan tâm chỉ đạo củng cố bộ máy, tổ chức phân cấp thế nào; Chính phủ, bộ ngành địa phương cần tăng cường tuyên truyền về nội dung các FTA với nhiều hình thức cụ thể, phong phú, thiết thực.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý cần đẩy nhanh xuất khẩu, tận dụng các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Chú ý rào cản phi thuế quan, giúp đỡ mặt hàng trong nước, quan tâm các ngành có chất lượng, sản phẩm trong nước có ưu thế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần quan tâm việc đánh giá các tác động, dự báo các tác động từ các FTA trong tình hình mới hiện nay. Cùng đó Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần chủ động cần phối hợp với Bộ Công Thương trong việc triển khai có hiệu quả các FTA.