Chương trình Thạc sĩ Thương mại toàn cầu thực hiện ở Việt Nam nhằm mục tiêu phát triển thế hệ lãnh đạo tiếp theo trong hoạt động thương mại thế giới. Chương trình đào tạo sẽ diễn ra tại cơ sở Nam Sài Gòn của Đại học RMIT Việt Nam. Trong khoá học đầu tiên, Hinrich Foundation sẽ trao học bổng cho 25 nhà lãnh đạo tương lai tham gia chương trình này.
Chương trình học trong 15 tháng được phát triển bởi Đại học RMIT kết hợp cùng Hinrich Foundation và gần 20 doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu thực hiện. Ông Merle A. Hinrich - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hinrich Foundation - cho biết, chúng tôi xây dựng chương trình Thạc sĩ Thương mại toàn cầu nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực giúp thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững của hoạt động thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu tại Châu Á, trong bối cảnh đang diễn ra những sự thay đổi quan trọng về thương mại và công nghệ.
Đại học RMIT và các đối tác công bố chương trình Thạc sĩ Thương mại toàn cầu lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam |
Ông Steve Clarke - Quản lý chương trình Thạc sĩ Thương mại Toàn cầu Đại học RMIT - cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu thay đổi qúa nhanh, vì vậy các doanh nghiệp hiện nay cần điều chỉnh cách tiếp cận về sản xuất, phân phối và quản trị rủi ro. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có kiến thức về thương mại, địa chính trị, phân tích rủi ro, quản lý tài chính và phát triển bền vững. Chương trình sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng nền tảng cần thiết giúp người học thành công ở các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp về thương mại.
Chương trình “Thạc sĩ Thương mại Toàn cầu” được xây dựng bởi doanh nghiệp và vì sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Alex Boome - Giám đốc chương trình thuộc Hinrich Foundation - cho hay, các doanh nghiệp đối tác của chương trình là những công ty đầu như Siemens Health, Samsung, Gỗ Đức Thắng, KMPG ...và họ sẽ cử nhân viên theo học chương trình vào tháng 2/2020.
Theo báo cáo của Hinrich Foundation gần đây, thương mại kỹ thuật số đã đóng góp đáng kể cho các lĩnh vực nội địa của Việt Nam hiện nay với tác động kinh tế hàng năm ước tính đạt 97.000 tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD). Con số này có thể tăng trưởng gấp 11 lần và đạt đến 953.000 tỷ đồng (tương đương với 42 tỷ USD) vào năm 2030. Một số lĩnh vực được hưởng lợi bên cạnh lĩnh vực kỹ thuật số có thể kể đến ngành cơ sở hạ tầng và sản xuất.
Theo nhận định Hinrich Foundation, với con số 953.000 tỷ đồng (42 tỷ USD), hoạt động xuất khẩu kỹ thuật số chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, và đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng các ngành xuất khẩu có giá trị lớn nhất, nếu được xem là một ngành riêng biệt. Nếu các rào cản về thương mại kỹ thuật số được giảm bớt, đóng góp của các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số vào tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia sẽ tăng gần 7 lần vào năm 2030.