Ảnh minh họa: internet
CôngThương - Chiến lược phát triển cà phê bền vững
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, ông Y DHăm ÊNuôl cho biết, hiện ngành cà phê chiếm khoảng 60% GDP của cả nước tuy nhiên hiện Đắc Lắc không khuyến khích phát triển thêm diện tích cây cà phê nữa bởi tỉnh uỷ, HĐND đã có chiến lược phát triển cây cà phê bền vững.
“Theo đó sẽ giữ từ 140.000 đến 150.000 ha, trong khi đó diện tích trồng cà phê hiện tại của Đắc Lắc đã lên tới 180.000 ha rồi. Vì vậy nếu phát triển một cách đại trà và không đủ các tiêu chí về trồng cà phê thì việc phát triển cà phê ở Việt Nam sẽ khó bền vững”, Phó chủ tịch Y DHăm ÊNuôl nói.
Cũng theo vị Phó chủ tịch này, để cà phê Việt Nam có sản lượng và chất lượng tốt có thể cạnh tranh được với cà phê của thế giới thì việc phát triển cà phê bền vững rất quan trọng, phải được sự ủng hộ của các cấp, ngành cũng như các hộ trồng cà phê.
Thực tế ngành cà phê Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển bền vững, còn nhiều vấn đề bất cập và tồn tại chính vì vậy chiến lược phát triển ngành cà phê sẽ là chiến lược bền vững.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty Cà phê Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do từ lâu rồi bà con nông dân cà phê quen với việc trồng tự phát mà chúng ta không có sự định hướng cho họ. Việt Nam là cường quốc trồng cà phê nhưng lợi nhuận thu được từ xuất khẩu vẫn còn ít.
“Việt Nam mới chỉ đứng đầu về sản xuất cà phê robusta trên thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cần xem xét lại tất cả các khâu, từ khâu trồng, chế biến cho đến khâu đóng gói. Để giá cà phê Việt Nam không còn phụ thuộc vào New York và London thì thương hiệu cà phê Việt phải được xây dựng vững chãi cả về chất lượng thay vì chạy theo số lượng như hiện nay”, ông Vũ cho hay.
Xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê mỗi năm
Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, ông Lương Văn Tự thì hiện nay lượng cà phê già của nước ta chiếm khá nhiều, khoảng 25-30%, chính vì vậy trong 10 năm tới sẽ phải thay thế vườn cà phê già này. Đồng thời giữ ổn định diện tích cho là thu hoạch là 0,5 triệu ha để đàm bảo số lượng mỗi năm sẽ xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê mà không tăng lên nữa bởi nếu tăng số lượng xuất khẩu lên thì giá cà phê sẽ giảm xuống.
Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì cho rằng, trong 10 năm, nếu quyết tâm chúng ta có thể đem cà phê nội địa ra xuất cảng 20 tỷ đôla mỗi năm.
“Có lẽ khi tôi nói điều này thì sẽ có nhiều người giật mình. Nhưng theo như tôi biết thì Cà phê Việt Nam như một mỏ dầu tái tạo hay nói cách khác như nồi cơm Thạch Sanh. Chính vì vậy tôi cho rằng, nếu quyết tâm và có chiến lược chúng ta có thể hoàn thành chỉ tiếu xuất khẩu đặt ra trong 10 năm”.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, Cục trồng trọt cũng đã có chương trình tái canh, Viện giống cây trồng Tây Nguyên cũng đã đưa ra giống mới có năng suất cao. Tuy nhiên vấn đề chính hiện nay là vốn. Mỗi ha cần khoảng hơn 2.000 USD. Đây là một số tiền rất lớn.
Sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ về chiến lược phát triển cà phê bền vững. Trong đó có nâng cao chất lượng cà phê bằng cách tăng chế biến, đầu tư cho nông dân, mở, mở giao dịch qua sàn... Hy vọng con số mà ngành cà phê Việt Nam đạt được trong 10 năm tới sẽ trở thành hiện thực.