Việt Nam – Hàn Quốc sẽ sớm đàm phán, mở cửa thị trường cho hàng nông thủy sản
Tin hoạt động 30/11/2019 16:46
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc vừa rồi, Hàn Quốc đã cam kết hỗ trợ ASEAN rất mạnh mẽ trong phát triển khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Vậy Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả hợp tác trong lĩnh vực này hiện nay và trong tương lai?
Có thể nói mối quan hệ giữa ASEAN và HQ là mối quan hệ cốt lõi và rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. HQ đã khẳng định cam kết của mình trong việc tạo dựng liên kết chặt chẽ với ASEAN thông qua việc thúc đẩy ký kết hiệp định RCEP vào năm 2020, tại Hà Nội. RCEP sẽ là một tổ chức thương mại mới trong khu vực trên thế giới với quy mô dân số gần hơn 50% dân số toàn cầu và quy mô gân 40% tổng lực GDP của thế giới.
Thứ hai, trong phát triển công nghiệp 4.0, HQ chủ động kết nối ASEAN trong hàng loạt các lĩnh vực như đô thị thông minh, liên kết hạ tầng, thúc đẩy, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sang các nước ASEAN trên cơ sở phát huy nguồn lực của HQ.
Có thể nói VN là đối tác vô cùng quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN – HQ. VN là một quốc gia có trao đổi thương mại rất mạnh mẽ với HQ, cả trước và sau khi hai bên ký hiệp định thương mại tự do. Với kim ngạch 67 tỷ USD hiện nay, tương đương với gần phân nửa tổng kim ngạch hai chiều ASEAN và HQ.
Về đầu tư, HQ hiện là nhà đầu tư số một tại VN với tổng vốn lên tới 66 tỷ USD, hai bên đều nhận định rằng tiềm năng còn rất lớn.
Tại các buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các nhà lãnh đạo cao cấp của HQ, hai bên đều khẳng định năm 2020 sẽ có nhiều cơ hội, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch 2 chiều hai nước lên con số 100 tỷ USD, cũng như phấn đấu đưa đầu tư của HQ vào VN lên con số cao hơn nữa.
Để đạt được mục tiêu này, quả thực là không hề đơn giản nhất là trong bối cảnh chung của thế giới, của khu vực đang chứa rất nhiều bất ổn và khó khăn. Trước hết, cả VN và HQ đều có độ mở kinh tế và tham gia sâu vào hội nhập quốc tế, do vậy những tác động của chủ nghĩa mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương và những xung đột thương mại trên thế giới sẽ tác động tiêu cực đến khả năng phát triển cũng như lợi ích hai nước.
Thứ hai, chúng ta đang chứng kiến thế giới bước vào khó khăn, bên cạnh những bất ổn của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, hay những nguy cơ xung đột chính trị tôn giáo thì còn rất nhiều tác động tiêu cực khác. Nhiều nhà kinh tế, nhiều nhà nghiên cứu đã dự báo rằng suy thoái kinh tế của thế giới sẽ tác động đến sự phát triển của nhiều nước, trong đó có cả VN và HQ.
Thứ ba, nhiều mặt hàng có thế mạnh của VN đang phải chứng kiến một mức độ cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường toàn cầu. Ví dụ, lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, thủy sản.. là thế mạnh của ta nhưng mức độ cạnh tranh còn yếu, chưa thực sự bền vững, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị một cách bền vững.
Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá năm 2020 là năm khó khăn cho ngành xuất nhập khẩu của VN chứ không chỉ riêng thị trường HQ. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, với những chính sách quyết liệt của Chính phủ, tôi cho rằng, năm 2020 mục tiêu tăng trưởng thương mại quốc tế của VN đề ra từ 6-8% thì tôi cho rằng phù hợp. Tuy nhiên với thị trường HQ thì cần nỗ lực cao hơn.
Việt Nam và Hàn Quốc đã đặt ra một kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, đó là đạt mục tiêu 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong tương lai. Liệu con số này có khả thi không, thưa Bộ trưởng?
Về mục tiêu hướng tới 100 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2020, hai bên đều nhấn mạnh và thảo luận rất kỹ, trong đó bao gồm cả những biện pháp nhằm cân bằng cán cân thương mại hiện nay. Thủ tướng và Chính phủ HQ đã đồng ý về nguyên tắc, sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan của HQ cùng phối hợp với phía VNđể tìm kiếm giải pháp, gia tăng năng lực XKcủa các DN Việt Nam.
Chiều 29/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo giới về kết quả chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mê Kông - Hàn Quốc kết hợp thăm chính thức Hàn Quốc (HQ), trong các ngày 24-28/11/2019 |
Hai lãnh đạo cao nhất của HQ là Tổng thống và Thủ tướng đều đồng ý với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là tăng cường hơn nữa khả năng hợp tác giữa DN hai bên, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Từ đó thúc đẩy năng lực sản xuất và năng lực XK của các DN HQ đang hoạt động tại Việt Nam, coi đây là nhân tố có thể đóng góp vào XKcủa VNngược trở lại vào thị trường HQ của các nhóm ngành hàng, sản phẩm mà HQ có nhu cầu và VNcó thế mạnh.
Về đổi mới năng lực và nâng cao cạnh tranh, các DN HQ sẽ tạo điều kiện để các DN VN tham gia vào các chuỗi giá trị mà họ đang có vai trò dẫn dắt, như các sản phẩm điện tử, điện thông minh của Samsung, LG hay các sản phẩm công nghiệp, năng lượng của Doosan… các DN VN đều có cơ hội tiếp cận với những chuẩn mực, quy chuẩn của HQ để nâng cao năng lực của mình, từ đó tham gia vào các chuỗi giá trị này. Như vậy, khả năng và dư địa XKcủa VN sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay, đặc biệt là giá trị gia tăng mang lại từ sản phẩm cũng sẽ lớn hơn.
Các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng DN HQ đều thống nhất về khai thác thế mạnh của Việt Nam, đó là nguồn nông nghiệp nhiệt đới, công nghiệp chế biến (nông sản, thủy sản…), kể cả những ngành mới như dược liệu, chế biến dược liệu… phục vụ cho ngành chăm sóc sức khỏe và y tế hiện hành. Đây là những ngành còn dư địa rất lớn.
Năm 2018, kim ngạch XK rau quả và trái cây của VN sang HQ tăng tới 33% nhưng vẫn còn dư địa rất lớn bởi trong số hàng chục loại trái cây của VN, còn rất nhiều loại HQ có nhu cầu. Hiện HQ mới mở cửa cho 4 loại trái cây của VN (dứa, dừa, bưởi…); ngoài ra còn thanh long, chanh leo hoặc các sản phẩm nhiệt đới khác của VN mà HQ có nhu cầu thì hai bên phải phối hợp với nhau để mở rộng thị trường. Chưa kể đến các sản phẩm khác như cà phê, cao su, gạo và rau quả… đều có tiềm năng rất lớn.
Ngoài ý nghĩa đóng góp cho kim ngạch XK của VN thì điều này còn có ý nghĩa quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam, người nông dân VN trong việc đảm bảo được thị trường và năng lực cạnh tranh ở tầm cao của nền nông nghiệp.
Chúng tôi cũng đã thống nhất được với phía HQ, hai bên sẽ sớm đàm phán, mở cửa thị trường cho sản phẩm hàng hóa nông sản, thủy sản, nông nghiệp của Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cùng với Bộ NN&PTNT, sẽ phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng HQ đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường, thông qua các cuộc đàm phán kỹ thuật. Hai bên cũng sẽ sớm đàm phán, ký kết các hiệp định tiêu chuẩn chất lượng, công nhận lẫn nhau, từ đó tạo thuận lợi cho cộng đồng DN và cơ quan quản lý hai bên thực hiện mở cửa thị trường, các sản phẩm hội nhập.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!